Shark Bình: Smartphone đầy rẫy, sao phải sử dụng giấy đi đường kèm dấu đỏ?
Ngày 6/9, trên trang Facebook cá nhân, Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech đã đăng tải một số ý kiến góp ý về mặt công nghệ, giúp chiến dịch chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội đạt hiệu quả hơn. Cụ thể, Shark Bình cho rằng cần bỏ ngay tư tưởng giấy tờ và dấu đỏ 0.4 trong thời đại công nghệ 4.0.
Shark Bình kiến nghị cần áp dụng ý tưởng trên vào mẫu giấy đi đường mới dự kiến triển khai từ ngày 6/9. Theo Chủ tịch Tập đoàn NextTech, điều này giúp tiết kiệm rất nhiều ngân sách đầu tư của nhà nước cũng như thời gian công sức của bộ máy công quyền và toàn xã hội.
Shark Bình chỉ ra giấy đi đường được cấp từ ngày 6/9 tại thủ đô sẽ có mã QR và thành phố cũng đã trang bị nhiều máy tính, máy in phục vụ công tác in giấy đi đường, cùng camera quét mã để kiểm tra giấy. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, Shark Bình đánh giá những đầu tư này là cồng kềnh, lãng phí và hoàn toàn không cần thiết.
Shark Bình nói rằng hầu như cán bộ, chiến sĩ nào tham gia chống dịch cũng sở hữu smartphone cá nhân, có thể làm thay mọi chức năng của máy tính, miễn là có một web/app (ứng dụng) kiểm soát giấy đi đường do thành phố cung cấp.
Với máy in, Shark Bình cho biết giấy đi đường đơn giản chỉ cần một mã QR dưới dạng hình ảnh hoặc gửi link trực tiếp về email hoặc tin nhắn SMS, Zalo của người được cấp, vì thế máy in cũng không cần thiết.
"Chẳng phải chúng ta đã đi máy bay hoặc xuất hóa đơn VAT không giấy tờ hàng chục năm nay rồi sao?", Shark Bình viết.
Như đã nói, thông qua Web/App kiểm soát giấy đi đường bất kỳ cán bộ chiến sĩ nào cũng có thể dùng smartphone cá nhân của mình để quét mã QR giấy đi đường của người dân và mọi thông tin về giấy đi đường được cấp sẽ hiện lên rõ mồn một. "Vậy chúng ta phải tốn ngân sách mua sắm thêm máy tính, máy in với camera để làm gì?" Shark Bình đặt câu hỏi.
Về dấu đỏ, Shark Bình gọi đây là "đỉnh cao của 0.4 trong thời đại 4.0". Ông ví dấu đỏ với việc muốn chữa bệnh Tây y thì phải qua tay thầy cúng, bắt máy bay phải đi với tốc độ xe đạp.
"Không chỉ phát sinh các chi phí trang bị máy tính, máy in, in ấn, dấu má... mà còn đổ sông biển tính tiện ích phi giấy tờ mà công nghệ mang lại; khiến cán bộ cũng khổ (vì phải xử lý in ấn dấu má), dân càng khổ (vì đi lại xin giấy tờ)", Shark Bình viết.
Do đó, Shark Bình đánh giá việc cấp giấy bị "tắc cổ chai" vì giấy tờ và dấu má gây tốn kém chi phí và lãng phí thời gian công sức của xã hội trong khi không giải quyết được vấn đề hơn nếu xử lý hoàn toàn bằng công nghệ phi giấy tờ.
Bên cạnh đó, Shark Bình nói rằng góp ý "phi giấy tờ' của ông không có gì mới, nhiều địa phương và bộ ngành đã triển khai thành công với các ứng dụng khai báo y tế, QR-Code luồng xanh, vé máy bay điện tử, hóa đơn điện tử...
"Điều này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và nguồn lực của xã hội. Nhưng không hiểu sao giấy đi đường mới của Hà Nội chưa kế thừa được những ưu điểm của công nghệ 4.0 kể trên?" Shark Bình viết.
Kể từ ngày 6/9 - thời điểm bắt đầu đợt giãn cách mới tại thủ đô Hà Nội, công an Hà Nội sẽ tiến hành cấp giấy đi đường mới có mã QR cho các nhóm người dân, doanh nghiệp, người hoạt động dịch vụ thiết yếu.
Ngoài 3 nhóm giấy đi đường do đơn vị tự cấp và chịu trách nhiệm, giấy đi đường mẫu mới của Hà Nội sẽ có mã nhận diện QR Code và do Phòng Cảnh sát giao thông, UBND cấp phường, Công an cấp phường cấp.
Đối với người đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh, người xuất viện về, chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh, căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân.
Bên cạnh đó, người đến sân bay theo vé, đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn, đến tòa án theo giấy triệu tập của tòa, chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân và Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ.