|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

‘Sell in May’, cổ phiếu ngân hàng biến động ra sao trong tháng 5

11:08 | 02/06/2019
Chia sẻ
Tâm lí thị trường trong tháng 5 'Sell in May' phần nào khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng có những biến động nhất định.
‘Sell in May’, cổ phiếu ngân hàng biến động ra sao trong tháng 5  - Ảnh 1.

Ảnh: Minh họa

Phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 5 của thị trường chứng khoán đã khép lại với việc chỉ số VN-Index giảm 9,46 điểm (0,98%) còn 959,88 điểm; HNX-Index giảm 0,97 điểm (0,92%) còn 104,35 điểm và UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,14%) lên 55,13 điểm.

Tháng 5, VN-Index giảm 19,76 điểm, tương đương 2,03% so với tháng 4. Sắc đỏ chi phối tại hầu hết ngành, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng khi chỉ có duy nhất cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) đóng cửa tăng điểm. Trong tháng, với nhiều sự kiện và nhân tố ảnh hưởng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự biến động nhất định

Tổng kết tháng 5, chỉ có 2/14 cổ phiếu ngân hàng tăng giá so với đầu tháng là TPB của Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) với 11,9% và EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 4,1%. TPBank là ngân hàng có quy mô tài sản thuộc nhóm trung bình nhưng đã nỗ lực vươn lên đáp ứng chuẩn Besel II trước thời hạn.

Trong khi đó, tháng 5 chứng kiến sự thay đổi hai chiếc ghế nóng Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc của Eximbank. Ông Cao Xuân Ninh, người từng công tác tại Vietcombank, bất ngờ trở thành Chủ tịch Eximbank; ông Nguyễn Cảnh Vinh, từng công tác tại Techcombank và SeABank, trở thành TGĐ Ngân hàng. Eximbank cũng đã lùi thời gian đại hội đồng cổ đông thường niên lần hai sang ngày 21/6.

Với các ngân hàng còn lại, giá cổ phiếu giảm từ 1 - 10% trong tháng 5 vừa qua, mức giảm trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng là 3,1%.

Những mã giảm trên 5% như VIB, SHB, TCB và LPB. Tháng 5, VIB hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng, ban lãnh đạo ngân hàng và người nhà theo đó nhận thêm hàng chục triệu cổ phiếu thưởng. Đơn cử như gia đình Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ ước nhận khoảng 64 triệu cổ phiếu VIB. Tuy nhiên ngay sau đó, con trai và vợ ông Vỹ đăng ký bán 2,4 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 27/5 - 21/6.

Nửa đầu tháng 5 thị trường chứng kiến gần 26 triệu cp Techcombank được sang tay thoả thuận khi giá cổ phiếu về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết. Ước tính tổng giá trị số cổ phiếu giao dịch thoả thuận đạt gần 174 tỉ đồng.

Mã CTG trong tháng giảm gần 5%, mặc dù đón nhận thông tin tích cực khi NHNN chấp thuận VietinBank phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2019, phần nào giải tỏa được áp lực tăng vốn của VietinBank trong năm nay.

BID là mã ngân hàng giảm nhiều nhất với 9,5%. Đến nay, thương vụ bán vốn cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank của BIDV chưa có nhiều tiến triển mới khi còn vướng mắc một số thủ tục, cũng như kì vọng giá của hai bên chưa gặp nhau.

VCB tháng qua giảm gần 1%, song vẫn là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất với 67.200 đồng/cp, vốn hóa đứng thứ ba thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 10,8 tỉ USD.

‘Sell in May’, cổ phiếu ngân hàng biến động ra sao trong tháng 5  - Ảnh 3.

Biến động giá cổ phiếu ngân hàng tháng 5/2019. Đvt: Đồng/cp. (TT tổng hợp)


‘Sell in May’, cổ phiếu ngân hàng biến động ra sao trong tháng 5  - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng tháng 5/2019

Tháng 5 gần như toàn bộ ngân hàng đã hoàn tất đại hội đồng cổ đông thường niên (trừ Eximbank).

Tuy nhiên tình hình vĩ mô vẫn còn nhiều diễn biến cần theo dõi, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có những bước theo thang mới. Đáng chú ý là việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát, một trong ba tiêu chí Mỹ lượng hóa là liệu Việt Nam có can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà BTC Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác.

Đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Thanh Tùng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.