|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng: Chờ đòn bẩy từ room ngoại

07:45 | 13/05/2019
Chia sẻ
Chỉ số VN-Index nhiều năm qua có mối tương quan rất lớn với diễn biến dòng tiền nước ngoài, đến nỗi một chuyên gia hàng đầu về dữ liệu tài chính phải thừa nhận rằng "cứ tiền nước ngoài vào là giá tăng". Liệu cổ phiếu ngân hàng có tái lập "quy luật" này nếu hoàn tất nới room ngoại?
Cổ phiếu ngân hàng: Chờ đòn bẩy từ room ngoại - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng: Chờ đòn bẩy từ room ngoại

Từ mức đỉnh khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh) thiết lập hồi tháng 4/2018, thị giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm dần và hiện dao động quanh ngưỡng khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu.

Đây là một trong những cổ phiếu lớn thuộc hàng "rẻ" nhất sàn chứng khoán nếu xét theo chỉ số P/E, chỉ ở mức dưới 7 lần, thấp thứ nhì trong rổ VN30 (chỉ cao hơn REE) và thấp hơn rất nhiều mức P/E bình quân thị trường hiện đang ở mức khoảng 15 lần.

Trong bối cảnh MB là một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thực tế thuộc hàng thấp nhất, tăng trưởng lợi nhuận thuộc hàng cao nhất hệ thống (quý I/2019 tăng trưởng 26%, dự kiến lợi nhuận giai đoạn 2019 - 2024 tăng trưởng bình quân 20%/năm) thì mức P/E cực thấp trên, dưới góc độ đầu tư giá trị, có thể coi là một nghịch lý.

Một trong những nguyên nhân muôn thủa dẫn đến việc nhiều cổ phiếu bị định giá một cách rẻ mạt tại thị trường Việt Nam là tâm lý đầu cơ của phần đông thành viên thị trường. Họ không thể kiên nhẫn gắn bó với doanh nghiệp trong một vài năm và thường chuộng cách rót vốn theo "sóng" cổ phiếu. Chưa có "sóng" thì chưa rót tiền.

Đây vừa là rào cản nhưng cũng vừa là cơ hội, bởi như vậy thị trường sẽ xuất hiện nhiều cổ phiếu "rẻ" hơn để các nhà đầu tư giá trị lựa chọn.

Một nguyên nhân khác, rất quan trọng, đến từ dòng tiền ngoại.

Chia sẻ tại một hội thảo do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức mới đây, đại diện quỹ Dragon Capital than thở rằng nhiều công ty đầu ngành, công ty tốt nhưng hết room ngoại đang được định giá cực kỳ thấp. Nhà đầu tư nước ngoài mặc dù rất muốn mua cổ phiếu nhưng không còn room để mua.

Thiếu vắng dòng tiền ngoại, cổ phiếu Việt khó tăng giá. Đây là một thực tế kể cả xét trên bình diện toàn thị trường.

Chia sẻ tại một sự kiện dành cho nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup (tiền thân là Stoxplus) chỉ ra rằng, chỉ số VN-Index có mối tương quan rất lớn so với diễn biến dòng tiền nước ngoài.

Cổ phiếu ngân hàng: Chờ đòn bẩy từ room ngoại - Ảnh 2.

Đồ thị tương quan giữa VN-Index và diễn biến dòng tiền ngoại, dòng tiền nội. Nguồn: FiinPro. Ghi chú: Foreign Monthly Net Buy/Sell val là giá trị mua/bán ròng hàng tháng của khối ngoại, Domestic Monthly Net Buy/Sell val là giá trị mua/bán ròng hàng tháng của khối nội, VN-Index monthly change là sự biến động hàng tháng của chỉ số VN-Index

Sự tương quan này có thể nhìn thấy rất rõ ràng và trực diện khi nhìn vào đồ thị do FiinGroup cung cấp. Bất chấp sự biến động của dòng tiền nội, VN-Index gần như dao động theo sự biến động của dòng tiền ngoại.

"Cứ tiền nước ngoài vào là giá tăng", Tổng giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhìn nhận.

Trở lại với trường hợp MB, ngân hàng này hiện đang khóa room ngoại ở mức 20% và luôn trong tình trạng kín room, khối ngoại không thể mua vào. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá cổ phiếu MBB "dậm chân tại chỗ" trong thời gian khá dài vừa qua, dù P/E đã ở mức rất hấp dẫn so với một ngân hàng lành mạnh. Và với tốc độ tăng trưởng cao như dự kiến, P/E của MBB sẽ tiếp tục giảm nếu như giá cổ phiếu không tăng. Nghịch lý sẽ lại càng thêm nghịch lý.

Không chỉ MBB, nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn hiện cũng đang có P/E rất thấp. Tiêu biểu là trường hợp của ACB.

Hiện P/E của ACB cũng dưới 7 lần, trong bối cảnh ngân hàng này sau khi xử lý hết tồn đọng thời bầu Kiên nay đã trở thành một trong những ngân hàng lành mạnh nhất với tỷ lệ nợ xấu rất thấp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức khá cao.

Và cũng như MBB, room ngoại của ACB luôn trong tình trạng kín. Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn khác có P/E thấp như VPB (dưới 7 lần), TCB (9,8 lần) cũng trong tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, trong số 4 ngân hàng này thì ACB không còn dư địa nới room ngoại (hiện kịch room 30%). Trong khi MBB thì đang rộng cửa nới room ngoại nhất với kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ và bán cổ phiếu quỹ để tăng vốn trong nửa cuối năm nay.

Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng việc nới room ngoại dù quan trọng nhưng chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến giá cổ phiếu. Ngay như chính trường hợp của MB, mặc dù nới room ngoại từ 10% lên 20% hồi đầu năm 2016 nhưng phải một năm sau đó, cổ phiếu MBB mới bắt đầu tăng. Mặc dù mức tăng là rất ấn tượng, gấp 3 lần trong vỏn vẹn hơn một năm (từ tháng 2/2017 đến tháng 4/2018) nhưng với độ trễ tới một năm, khó có thể khẳng định mức tăng phi mã này là xuất phát từ việc nới room ngoại.

Thanh Long