|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

4 cái tên Việt Nam góp mặt trong top 2.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất thế giới: Vietcombank, BIDV, Vingroup và VietinBank

09:09 | 25/05/2019
Chia sẻ
Trong đó, Vietcombank là doanh nghiệp xếp thứ hạng cao nhất của Việt Nam, 1.096 thế giới.
4 cái tên Việt Nam góp mặt trong top 2.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất thế giới: Vietcombank, BIDV, Vingroup và VietinBank - Ảnh 1.

Việt Nam góp mặt 4 cái tên trong danh sách 2.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất thế giới

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 2.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất thế giới, tiêu chí được dựa trên điểm số tổng hợp về doanh thu, lợi nhuận, tài sản và vốn hóa thị trường.

Trong danh sách này, Việt Nam có sự góp mặt của 4 cái tên gồm ba ngân hàng quốc dân và một tập đoàn tư nhân.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) xếp hạng 1.096 thế giới, đồng thời là doanh nghiệp có thứ hạng tốt nhất của Việt Nam. Doanh thu năm 2018 đạt 3,1 tỉ USD, lợi nhuận ròng 562 triệu USD, tài sản 46,3 tỉ USD và vốn hóa thị trường 10,9 tỉ USD.

Ba doanh nghiệp tiếp theo của Việt Nam có thứ hạng không chênh lệch nhau đáng kể, lần lượt Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) đứng thứ 1.716, CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) đứng thứ 1.747 và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – Mã: CTG) đứng thứ 1.769 trong danh sách của Forbes.

Trong đó, Vingroup đứng số một tại Việt Nam về cả tiêu chí doanh thu (5,3 tỉ USD) và vốn hóa thị trường 14,1 tỉ USD nhưng lại xếp cuối về tiêu chí lợi nhuận ròng 140 triệu USD.

Các ngân hàng đều sở hữu giá trị tài sản ấn tượng BIDV 56,6 tỉ USD (hạng 541 thế giới) và Vietinbank 50,2 tỉ USD (hạng 600 thế giới).

4 cái tên Việt Nam góp mặt trong top 2.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất thế giới: Vietcombank, BIDV, Vingroup và VietinBank - Ảnh 2.

Thứ hạng của các doanh nghiệp Việt Nam theo thống kê của Forbes

Theo thống kê của Forbes, top 2.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới đem về tổng cộng hơn 40.000 tỉ USD doanh thu hàng năm, và tổng tài sản lên tới 186.000 tỉ USD trên toàn cầu.

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba quốc gia dẫn đầu với lần lượt 575, 309 và 223 công ty có mặt trong danh sách, chiếm hơn 55%.

Tuy nhiên chỉ có Mỹ và Trung Quốc là có những cái tên mới được bổ sung trong năm nay, Mỹ tăng 16 doanh nghiệp, kém hơn một chút so với Trung Quốc 18 doanh nghiệp.

Trong vòng 10 năm trở lại đây chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của khối doanh nghiệp thuộc Trung Quốc, Hong Kong tăng từ 133 lên 309; trong khi đó số doanh nghiệp tại Mỹ hầu như không có sự thay đổi đáng kể tăng từ 551 lên 575.

Lần đầu tiên Trung Quốc có công ty lọt vào top 10 sau sự xảy chân của Berkshire Hathaway, công ty của tỉ phú Warren Buffett với khoản đầu tư vào doanh nghiệp tương ớt Kraft Heinz.

Về lĩnh vực kinh doanh, ngân hàng – tài chính tiếp tục đóng góp nhiều đại diện nhất trong năm nay với 453 doanh nghiệp, chiếm gần 1/5 trên tổng số. Các ngân hàng của Mỹ có một năm kinh doanh ấn tượng nhờ được cắt giảm thuế. Cả JPMorgan và Bank of America đều bay cao trên bảng xếp hạng, trong khi Wells Fargo sau vụ bê bối liên quan doanh số ảo đã giảm từ vị trí thứ 7 xuống thứ 10.

Nhóm ngành xây dựng đóng góp 123 doanh nghiệp trong danh sách, trong đó 35% của nhóm này là các doanh nghiệp Trung Quốc, nơi diễn ra sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng trong thập kỷ qua. Kế tiếp là nhóm các công ty dầu khí (110 doanh nghiệp) và bảo hiểm (102 doanh nghiệp)…

Về lợi nhuận, các doanh nghiệp dầu khí trong năm qua hưởng lợi lớn nhờ sự tăng trưởng của giá dầu, đây là quy luật tất yếu.

Bạch Mộc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.