Sẽ xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán tại Hội thảo Hoàn thiện thể chế thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại và hội nhập do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức sáng 16-12.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, ngành Chứng khoán đã đạt được những bước tiến dài cùng với những chuyển mình ngày càng lón mạnh của nền kinh tế đất nước. Quy mô TTCK không ngừng tăng trưởng, sản phẩm giao dịch này càng đa dạng, hệ thống giao dịch, thanh toán an toàn và hiện đại, số lượng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không ngừng được mở rộng… Có thể nói, TTCK đã đạt được những thành tựu trên nhiều phương diện.
Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn cũng thừa nhận, TTCK vẫn còn nhiều hạn chế như: TTCK hoạt động ổn định nhưng vẫn chịu tác động mạnh bởi một số yếu tố như tỷ giá, giá dầu; công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh nhưng chưa tạo ra sự thay đổi lớn về quản trị công ty, chất lượng hàng hóa đầu vào TTCK còn hạn chế; việc triển khai thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn còn khó khăn; thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức định mức tín nhiệm chưa phát triển…
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, một trong những hạn chế của TTCK hiện nay đó là về cơ chế, chính sách, khung pháp lý trong đó có Luật Chứng khoán 2006 và Luật bổ sung sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010.
“Cần tập trung xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới nhằm thay đổi căn bản, phát triển bền vững và hiện đại hóa TTCK. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán theo thông lệ quốc tế, triển khai các quy định mới về cơ chế giao dịch, công bố thông tin, quản trị công ty, niêm yết và đăng ký giao dịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm đảm bảo an toàn cho TTCK và hệ thống tài chính quốc gia”, bà Vũ Thị Chân Phương nhận định.
Trước yêu cầu đổi mới cần thiết phải hoàn thiện thể chế về TTCK Việt Nam theo hướng hiện đại và hội nhập. Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị, cần xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo một số định hướng như: Bổ sung thẩm quyền bảo đảm bảo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ quyền lực để thực thi tổ chức các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và chướng chế thực thi; Đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán được chào bán và nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; Mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua tỷ lệ sở hữu Nhà nước của các công ty đại chúng; Hoàn thiện các quy định về quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát; sửa đổi quy định về công bố thông tin trên TTCK và bổ sung một số biện pháp thanh tra, xử lý vi phạm mang tính đặc thù.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, quá trình hoàn thiện thể chế TTCK Việt Nam cần tập trung vào 4 trọng tâm: Thể chế xây dựng và phát triển TTCK, thể chế về sản phẩm, về tổ chức kinh doanh và quản lý giám sát.
Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, sẽ xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới vào năm 2018 nhằm đảm bảo sự phù hợp và thống nhất cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam và cũng đặt ra yêu cầu về quản lý thị trường cao hơn, phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng hơn. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển TTCK phái sinh giai đoạn 2017-2020.