|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sẽ không có gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất như năm 2009

10:12 | 22/09/2021
Chia sẻ
Rút kinh nghiệm từ gói kích cầu năm 2009 không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai gói hỗ trợ lãi suất.

Trả lời về các đề xuất về gói hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị không triển khai. 

Đồng thời, NHNN đã có chương trình giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp với cam kết của các ngân hàng là hơn 24.000 tỷ đồng.

Nhìn lại gói kích thích kinh tế 2009 và những hệ luỵ

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất hiện từ đầu năm 2008 và chính thức bùng nổ vào cuối quý III/2008 với sự sụp đổ của định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ thời điểm đó, Leman Brother.

Cuộc khủng hoảng đánh mạnh nhất vào nước Mỹ. Dĩ nhiên, các nước khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam cũng không thể miễn nhiễm. Chính phủ các nước cũng như các tổ chức tài chính quốc tế đã đồng loạt đưa ra rất nhiều gói tài chính kích cầu khổng lồ và các biện pháp hỗ trợ.

Tại Việt Nam, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cấp bách bao gồm cả tăng tín dụng, giảm lãi suất, tăng chi tiêu NSNN và giảm thuế và dành 2 tỷ USD để kích cầu. 

"Gói kích cầu thứ nhất" trị giá 1 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng lúc đó) để hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho một số đối tượng doanh nghiệp. 

Tiếp đó, "gói kích cầu thứ hai" cũng nhanh chóng được công bố với quy mô lớn hơn, cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn và sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng, với tổng số lãi được hỗ trợ là 20.000 tỷ đồng.

Theo đó, hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho vay theo cơ chế xin cho là đặc trưng cho phương thức kích cầu chủ yếu của Việt Nam tại thời điểm này.

"Hiệu quả thật sự của gói hỗ trợ lãi suất 4% chưa được chứng minh trong khi những hệ lụy tiêu cực của nó là rất lớn, làm "méo mó" thị trường tín dụng đang tăng trưởng quá nóng. Tín dụng đối với nền kinh tế ước đến cuối tháng 10 đã tăng 33,29%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 25,72%, chuyên gia Vũ Đình Ánh chia sẻ trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Tăng trưởng tín dụng nhanh đã gây sức ép tăng lãi suất, dẫn đến hệ quả là tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất, khiến việc huy động vốn trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn.

Sẽ không có gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất như năm 2009  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Zing News.

Báo cáo của VEPR đánh giá với nguồn vốn dễ dãi các doanh nghiệp có xu hướng hạn chế đầu tư cho sản xuất. Thay vào đó, họ sử dụng phần vốn vay được hỗ trợ lãi suất để thực hiện các hành vi đầu cơ. 

Việc đầu cơ đã dẫn tới những vấn đề như tạo sự tăng giá trên các thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại hối), làm gia tăng sức ép lạm phát trong năm. 

Bên cạnh đó, việc chưa quản lý được việc sử dụng vốn thực chất dẫn tới phát sinh những trường hợp lợi dụng việc ưu đãi này để trục lợi. Có doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất để chuyển sang tiền gửi hoặc cho vay lại, hưởng chênh lệch.

Đâu sẽ là giải pháp thích hợp?

Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc hỗ trợ lãi suất không phải là biện pháp hiệu quả và không cần thiết trong lúc này. Thời điểm này, vấn đề quan trọng hơn việc giảm lãi suất là làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đó mới là vấn đề chính.

"Tất cả mọi người đều đang nói đến vấn đề giảm lãi suất, nhưng giảm lãi suất chỉ dành cho doanh nghiệp còn đang trả nợ được cho ngân hàng. Còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp  khốn khó ngoài kia không vay được của ngân hàng thì có giảm lãi suất hay hỗ trợ lãi suất bao nhiêu đối với họ không nghĩa lý gì," ông Hiếu chia sẻ.

Chuyên gia cũng cho rằng việc hỗ trợ lãi suất cần lấy từ ngân sách nhà nước (NSNN) chứ không thể từ các ngân hàng. Tuy nhiên đây là lúc tình hình kinh tế rất ảm đạm nên nguồn lực NSNN cũng không còn nhiều để hỗ trợ lãi suất theo biện pháp bù trừ lãi suất.

Do đó, ông Hiếu đề xuất một hình thức cho vay hợp vốn mà đã được NHNN quy định năm 2014. Theo đó, các ngân hàng thương mại có thể lập một nhóm để tài trợ cho một dự án nào đó, gọi là một tổ hợp tín dụng mà các ngân hàng đều phải tham gia với tỷ lệ 3% trên tổng dư nợ của riêng từng ngân hàng.

Ông Hiếu cho biết tổng dư nợ cả hệ thống ngân hàng là khoảng 9,8 triệu tỷ đồng và nếu mỗi ngân hàng tham gia với 3% tổng dư nợ thì nguồn vốn mà tổ hợp tín dụng có thể cung cấp cho nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. 

Lãi suất cho vay là 3% - 5% với nguồn vốn cho vay được lấy từ một phần CASA của các ngân hàng. Đặc biệt hình thức cho vay sẽ là tín chấp.

Ông Hiếu đề nghị tổ hợp tín dụng nên làm việc với một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để ngân hàng "dám" cho vay tín chấp với lãi suất rất thấp. Thời gian cho vay có thể là 5 năm, trong đó 2 năm là cho vay tuần hoàn, 3 năm cho vay trả dần hết nợ chủ yếu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới dịch bệnh.

Phương Nga