|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền gửi doanh nghiệp giảm do dịch bệnh kéo dài, nhu cầu tiền mặt tăng

21:28 | 20/09/2021
Chia sẻ
Theo SSI, tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng.

Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới công bố, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua, khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy trong tháng 7, tổng tiền gửi giảm 0,2% so với tháng trước, chủ yếu đến từ mức giảm 0,5% của tiền gửi từ tổ chức kinh tế. Các tổ chức kinh tế đang bắt đầu rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, mức rút ròng khoảng 25.900 tỷ đồng.

Lãi suất huy động diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng - Ảnh 2.

(Ảnh: SSI Research).

Trong tuần qua (13/9 - 17/9), các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ khoảng 0,02 điểm %, kết tuần ở 0,68%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,8%/năm cho kỳ hạn một tuần. 

Theo đánh giá của các chuyên gia SSI, lãi suất liên ngân hàng sẽ có nhiều biến động khó lường hơn trong tuần cuối quý III, khi áp lực lên thanh khoản hệ thống tăng dần.

Báo cáo chỉ ra rằng lãi suất huy động đã có diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng. Cụ thể, lãi suất được điều chỉnh giảm khoảng 0,1 - 0,3 điểm % ở các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Techcombank, Sacombank; trong khi các ngân hàng nhỏ như Baovietbank, PGBank điều chỉnh tăng.

Theo nhóm phân tích, điều này một phần là do áp lực của Thông tư 08/2020, có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

"Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay", SSI Research nhận định.

Mặc dù chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp kể từ tháng 11/2020, song, các chuyên gia SSI cho rằng mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực và duy trì quan điểm lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn.

Lãi suất huy động diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng - Ảnh 1.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND niêm yết ở các ngân hàng thương mại đi ngang trong tuần qua, kết tuần mua - bán ở mức 22.640 - 22.870 đồng/USD. 

Trong khi đó, giá vàng trong nước đã có bước điều chỉnh tương đối mạnh, khi giảm tới 1,1% trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm mạnh (-1,8%). Điều này giúp chênh lệch giá vàng thế giới - trong nước hạ nhiệt phần nào và tỷ giá tự do điều chỉnh nhẹ, kết tuần mua - bán ở mức 23.045 - 23.190 đồng/USD. 

Cán cân thương mại trong tháng 8 duy trì nhập siêu hơn 100 triệu USD nhưng tích cực hơn so với ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD của Tổng cục thống kê, cho thấy hoạt động sản xuất đã phần nào được phục hồi trong nửa cuối tháng 8. 

Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế, do vậy SSI Research kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm. 

Nhóm phân tích nhận định nguồn cung cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.

Lê Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.