|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sẽ có nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

17:15 | 08/04/2017
Chia sẻ
Kể từ năm 2011 đến nay, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị định số 90/2011/NĐ-CP.

Không thể phủ nhận sự ra đời của Nghị định 90 đã giúp việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp ngày càng mang tính chủ động và chuyên nghiệp. Nguồn cung trái phiếu cũng không ngừng tăng lên qua từng năm, dư nợ TPDN phát hành trong nước tính đến thời điểm cuối năm 2016 ước tính khoảng 144.000 tỉ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 4,85 năm.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu như kể trên nhưng về tổng thể, quy mô thị trường TPDN vẫn còn nhỏ so với tiềm năng nền kinh tế, với quy mô thị trường các nước trong khu vực và nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Cụ thể, dư nợ thị trường TPDN hiện mới chỉ tương đương khoảng 3,5% GDP, rất nhỏ so với kênh tín dụng của ngân hàng (116% GDP) và thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 22% GDP của các nước trong khu vực. Một số nguyên nhân nổi bật dẫn đến hiện trạng trên là: đặc điểm hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng; nhận thức của doanh nghiệp về việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu còn thấp; cơ sở nhà đầu tư còn hạn chế và khuôn khổ pháp lý còn nhiều bất cập. Nhận thức được điều đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định mới về phát hành TPDN thay thế cho Nghị định số 90. Tờ trình xây dựng dự thảo nghị định mới gồm bốn nhóm giải pháp, điểm sửa đổi chính.

Thứ nhất là về điều kiện phát hành. Theo đó, đối với phát hành trái phiếu trong nước thì bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và báo cáo tài chính được kiểm toán phải là báo cáo nêu ý kiến chấp nhận toàn phần. Mục tiêu của điểm sửa đổi này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn thông qua trái phiếu (kể cả phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ). Hiện nay, chủ yếu nhà đầu tư là nhà đầu tư tổ chức nên có thể tự đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Do đó, yêu cầu về kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính được kiểm toán như trên không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn để tái cơ cấu nợ thì rất khó có lãi trong năm liền trước phát hành. Dù bỏ hai điều kiện trên nhưng để bảo vệ nhà đầu tư, dự thảo nghị định mới sẽ quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin, đăng ký, lưu ký TPDN.

Đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, dự thảo nghị định mới bỏ quy định về điều kiện, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành. Lý do là để giảm thiểu thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn phát hành trái phiếu quốc tế. Đổi lại, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng được các điều kiện của thị trường phát hành, phù hợp với hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia và các quy định pháp luật khác về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp là đã có thể phát hành trái phiếu quốc tế.

Thứ hai, dự thảo nghị định mới bổ sung quy định điều kiện phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt, không quy định bắt buộc doanh nghiệp xây dựng phương án phát hành và đăng ký chương trình phát hành trong năm tài chính. Điều này cho phép doanh nghiệp căn cứ diễn biến thị trường tài chính, tiến độ giải ngân, nhu cầu vốn của dự án đầu tư để chủ động lựa chọn thời điểm phát hành trái phiếu; đồng thời giảm bớt hồ sơ, thủ tục không cần thiết.

Thứ ba, dự thảo nghị định mới không quy định cụ thể về thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước mà dẫn chiếu quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định phương án huy động vốn tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Điều này nhằm mục đích đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về mặt pháp lý vì về bản chất, việc phát hành TPDN là hình thức huy động vốn vay của doanh nghiệp và cần có quy định thống nhất về thẩm quyền quyết định phương án huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, dự thảo nghị định mới hoàn thiện cơ chế báo cáo, công bố thông tin và đăng ký, lưu ký TPDN. Cụ thể, đối với cơ chế báo cáo và công bố thông tin, dự thảo nghị định mới quy định cụ thể về cách thức công bố thông tin bao gồm trước phát hành, sau phát hành, định kỳ đến khi trái phiếu đáo hạn. Việc xây dựng trung tâm thông tin TPDN tại sở giao dịch chứng khoán cũng được quy định nhằm tổng hợp, theo dõi toàn bộ thông tin về TPDN. Đối với việc đăng ký, lưu ký, dự thảo nghị định mới quy định doanh nghiệp đăng ký TPDN tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán hoặc thành viên của Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Tổ chức đăng ký, lưu ký phải có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin về chủ sở hữu TPDN và tình hình trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Dự kiến dự thảo nghị định mới được trình Chính phủ xem xét cho ý kiến và ban hành vào tháng 6-2017. Với khuôn khổ pháp lý mới có nhiều điểm sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn và khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua kênh trái phiếu, thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, san sẻ bớt gánh nặng cho kênh tín dụng ngân hàng truyền thống.

Linh Trang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.