|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẽ có làn sóng NK ô tô nguyên chiếc

14:05 | 07/01/2017
Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chắc chắn sẽ có xu hướng NK xe ô tô nguyên chiếc khi thuế NK ô tô giảm xuống 30% bởi chất lượng xe NK tốt hơn. 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Từ ngày 1-1, thuế NK ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia… giảm từ 40% xuống còn 30%. Theo ông, việc giảm thuế này có tác động đến sản xuất trong nước?

Trên thực tế, xu thế hội nhập ngày càng cao thì thuế quan sẽ càng giảm. Đó là nguyên tắc. Vậy khi thuế NK ô tô nguyên chiếc giảm thì người tiêu dùng được lợi gì và ảnh hưởng như thế nào đến nhà sản xuất trong nước là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Đối với mặt hàng ô tô, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam còn tương đối thấp, chỉ khoảng 300.000 chiếc, so với dung lượng các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Singapore trên 1 triệu xe thì còn quá ít. Với dung lượng đó, sản xuất của những nước này sẽ lớn, còn Việt Nam khi dung lượng còn thấp thì sản xuất trong nước thấp. Bên cạnh đó, chất lượng ô tô trong nước không bằng các nước trong khu vực, vì thế nhu cầu NK xe từ Thái Lan, Singapore là tương đối lớn.

Trong bối cảnh thuế NK ô tô nguyên chiếc giảm xuống 30% thì chắc chắn sẽ tác động tới giá bán. Bởi lẽ, thuế là một trong những yếu tố tạo nên giá bán, thuế NK giảm nên giá bán sẽ giảm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 1 điều kiện vì giá xe ô tô trong nước còn phụ thuộc nhiều vào thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập DN… và phụ thuộc vào giá xăng dầu.

Đối với người tiêu dùng, viễn tưởng người Việt Nam dùng ô tô giá rẻ trong bối cảnh hội nhập sẽ khó vì hạ tầng cơ sở của chúng ta kém dẫn tới việc hạn chế xe cá nhân. Chưa kể, chính sách thuế, phí của chúng ta còn cao nên khả năng người Việt được sử dụng ô tô giá rẻ là khó.

Còn việc tác động đến thị trường sản xuất trong nước hay không còn phụ thuộc vào chất lượng sản xuất ô tô trong nước. Năm 2002 chúng ta đã có chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và các mục tiêu của chiến lược đó đã thất bại. Năm 2014, chiến lược phát triển ô tô cũng đã được ban hành. Tuy nhiên hiện vẫn có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu của các ngành. Vì thế, chiến lược ô tô khó khả thi và có khả năng phá sản lần 2.

Trong bối cảnh năng lực sản xuất trong nước không nâng cao chất lượng, năng suất lao động, quản trị thì sẽ khó có khả năng cạnh tranh với ô tô NK.

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng NK xe ô tô nguyên chiếc khi thuế NK giảm?

Chắc chắn sẽ có xu hướng NK bởi chất lượng xe NK tốt hơn. Trong khi, công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ tham gia vào những công đoạn có giá trị thấp, tỷ lệ nội địa hóa không đạt như mục tiêu, phải NK nguyên phụ liệu về để lắp ráp nên khó có thể cạnh tranh được với xe NK.

Mới đây, Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã tuyên bố sẽ tiến hành nhập nguyên chiếc dòng xe Fortuner. Chiến lược này cũng sẽ được áp dụng với Innova hay Camry khi những dòng xe này nâng đời sản phẩm với công nghệ mới. Khi thuế NK từ thị trường ASEAN hạ xuống, chi phí sản xuất một chiếc xe tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nên việc lắp ráp sẽ không hiệu quả bằng nhập nguyên chiếc.

Trong bối cảnh thuế NK ô tô từ ASEAN giảm dần và sẽ về 0% vào năm 2018, để hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô trong nước, Nhà nước cần có cơ chế gì, ngoài chính sách thuế, thưa ông?

Nhà nước đã bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước mấy chục năm nhưng cuối cùng không thực hiện được, không đủ năng lực không vươn lên thì sẽ thua trên sân nhà. Việc bảo hộ quá mức gây ra sự trì trệ đối với các DN sản xuất ô tô. Trong hội nhập, sức ép lớn nhất là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội, thua ngay trên sân nhà.

Cùng với hội nhập, năng lực sản xuất, chất lượng, giá thành sản xuất ô tô trong nước còn cao thì chắc chắn DN trong nước luôn luôn thua trên sân nhà, khó khăn nếu không tự nâng cao năng lực sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thu