|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sẽ cắt giảm ít nhất 20% số qui định liên quan hoạt động kinh doanh

17:32 | 30/09/2020
Chia sẻ
Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách các thủ tục hành chính, đơn giản hóa qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí ban hành ngày 12/5/2020. 

Chương trình cải cách có phạm vi rộng nhất từ trước tới nay

Theo đại diện VPCP, Việt Nam đã trải qua hai làn sóng cải cách. Đợt cải cách năm 2007 - 2011 đã được thực hiện thành công khi cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/ 5.421 thủ tục hành chính (TTHC) (cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỉ đồng mỗi năm).

Chương trình cắt giảm qui định kinh doanh tập trung vào doanh nghiệp, có phạm vi rộng nhất từ trước tới nay - Ảnh 1.

Tỉ lệ xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống còn 48%, cho thấy hiệu quả của việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính. (Ảnh chụp màn hình).

Đợt cắt giảm thứ hai từ năm 2016 - 2020 được thể hiện xuyên suốt và có những kết quả tích cực. Dấu mốc đánh giá thành công giai đoạn này là việc xuất hiện cổng thông tin quốc gia, ước tính tiết kiệm được 260 triệu USD/năm. Trong đó có hơn 1.400 thủ tục hành chính đã được đưa vào cổng.

Ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. 

Đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng nhờ việc thực hiện cải cách

Trong hơn một năm áp dụng Cổng thông tin quốc gia, đại diện phía VPCP cho biết, theo khảo sát, tỉ lệ xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống còn 48%, đồng thời tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thủ tục hành chính cũng đã giảm 10%. Con số này cho thấy được hiệu quả của việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính.

Từ kinh nghiệm cải cách của các nước thuộc khối OECD và thực tiễn cải cách của nước ta thời gian qua, có thể thấy chúng ta còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho ý kiến.

Chương trình cắt giảm qui định kinh doanh tập trung vào doanh nghiệp, có phạm vi rộng nhất từ trước tới nay - Ảnh 2.

Toàn cảnh họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. (Ảnh chụp màn hình).

Về phạm vi, chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà còn cải cách toàn diện cả các qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo,...

Bên cạnh đó, không chỉ đơn thuần cải cách ở khâu xây dựng, ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, mà đợt cải cách còn qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các qui định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử,...

Về mục tiêu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn năm 2020 - 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số qui định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Để thực hiện có hiệu quả, trước mắt, Bộ trưởng cho biết, các Bộ, ngành cần sớm hoàn thành thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/ 2020 thuộc phạm vi quản lí của bộ, cơ quan ngang bộ.

Các công cụ cải cách

Đại diện phía VPCP đã giới thiệu về các công cụ cải cách qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, các yêu cầu của chương trình cải cách cụ thể gồm:

- Bao trùm toàn bộ các ngành nghề kinh doanh, toàn bộ các qui định hiện hành và dự thảo

- Tiếp cận tổng thể, và lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách.

- Đánh giá, theo dõi, giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực.

- Doanh nghiệp, người dân tham gia vào quá trình cải cách, và giám sát kết quả thực hiện tại các Bộ, ngành.

Chức năng của bộ công cụ cải cách

Các chức năng của bộ công cụ cải cách gồm: Rà soát, thống kê và tham vấn.

Chương trình cắt giảm qui định kinh doanh tập trung vào doanh nghiệp, có phạm vi rộng nhất từ trước tới nay - Ảnh 3.

Các chức năng của bộ công cụ cải cách gồm: Rà soát, thống kê và tham vấn. (Ảnh: VGP).

VPCP cũng nêu những lợi ích mà bộ công cụ cải cách sẽ mang lại. Cụ thể:

- Hình thành cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về các qui định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

- Giúp lượng hóa toàn bộ chi phí xã hội phải bỏ ra để thực hiện các qui định theo cách tiếp cận mô hình chi phí chuẩn (SCM) của các nước OECD.

- Giúp theo dõi đánh giá và giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực, đặc biệt lượng hóa được kết quả cải cách của từng bộ ngành.

- Hỗ trợ, cập nhật kịp thời các qui định được sửa đổi bổ sung, bãi bỏ, thay thế.

- Nâng cao hiệu quả việc cải cách các qui định theo chương trình Nghị quyết 68.

Minh Hằng