|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Savills muốn nới room bán nhà cho người nước ngoài, chuyên gia kiến nghị lập ngân hàng nhà ở

19:12 | 16/05/2019
Chia sẻ
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, nguồn cầu của khách nước ngoài, nhất là khách mua cá nhân đang tăng rất nhanh. Savills đã phải thiết lập một bộ phận riêng biệt để phục vụ nhu cầu của khách nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Khách hàng phần nhiều đến từ các nước trong khu vực như Hong Kong, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản… Theo ông Matthew Powell, nguồn cung không đủ phục vụ cầu.

Nguồn cung dự án cao cấp không đủ phục vu nhu cầu khách ngoại

Tại Diễn đàn Bất động sản 2019: Xu hướng đầu tư do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (16/5), trả lời câu hỏi thời gian qua khách nước ngoài tìm kiếm mua nhà tại Việt Nam có tăng không, họ chủ yếu tìm mua những phân khúc nào, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của Savills, nguồn cầu của khách nước ngoài, nhất là khách mua cá nhân đang tăng rất nhanh. Savills đã phải thiết lập một bộ phận riêng biệt để phục vụ nhu cầu của khách nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Khách hàng phần nhiều đến từ các nước trong khu vực như Hong Kong, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản…

Theo ông Matthew Powell, với những dự án cao cấp thì lượng bán cho người nước ngoài rất nhanh, nguồn cung gần như không đủ cầu.

Savills muốn nới room bán nhà cho người nước ngoài, chuyên gia kiến nghị lập ngân hàng nhà ở - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự phiên thảo luận về xu hướng đầu tư tại Diễn đàn Bất động sản 2019.

Ông Powell cũng cho biết, vì nguồn cung không đủ, Savills đề xuất cơ quan chức năng Việt Nam điều chỉnh tăng hạn mức bán nhà cho người nước ngoài. Hiện tại hạn mức 30% cho người nước ngoài đang áp dụng đồng đều cho tất cả các dự án căn hộ, biệt thự.

"Tôi thấy như vậy thì không hợp lý lắm. Tôi nghĩ với dự án cao cấp, nhu cầu mua của người nước ngoài nhiều thì có thể nâng hạn mức, còn những dự án bình dân thì có thể giảm hạn mức. Tất nhiên việc tăng hạn mức lên bao nhiêu phần trăm, tăng như thế nào thì cần phải xem xét để ko ảnh hưởng tới thị trường".

Trả lời câu hỏi các chính sách về bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, officetel, biệt thự du lịch… chưa được hoàn thiện sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quyết định mua bất động sản nghỉ dưỡng của khách hàng nước ngoài, ông Matthew Powell cho rằng, yếu tố mà NĐT ngoại quan tâm nhất chính là đơn vị quản lý vận hành của dự án. Đối với các dự án mà đơn vị quản lý vận hành chưa có tên tuổi, uy tín trên thị trường thì họ sẽ quan ngại và do dự khi mua, nhất là với loại hình condotel.

Thị trường bất động sản 2019 sẽ ít chịu rủi ro từ chính sách

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia có cùng chung quan điểm cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 sẽ phát triển ổn định và ít chịu rủi ro từ chính sách. Triển vọng đầu tư của thị trường này trong năm 2019 và tương lai vẫn theo xu hướng khả quan. 3 phân khúc bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp và văn phòng cho thuê sẽ là những mảng có nhu cầu cao trong thời gian tới, nhất là trong tiến trình hội nhập với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ vào Việt Nam đầu tư.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, hiện nay Việt Nam đang có nhiều dòng vốn, trong đó dòng vốn đổ về bất động sản tương đối nhiều. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực bất động sản tăng khá nhanh. Tổng vốn đăng ký hiện khoảng 150.000 tỉ đồng. Dòng vốn đầu tư công khoảng 244.000 tỉ. Năm 2018 dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản khoảng 6,5 tỉ USD. Với đà tăng như vậy thì năm nay chắc chắn bất động sản công nghiệp, thương mại, và bất động sản cho nhà ở xã hội sẽ còn tăng.

Ông Lực cũng cho biếtđịnh hướng của Chính phủ thời gian tới là phát hành trái phiếu để đảm bảo không độc quyền. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị thành lập quỹ đầu tư bất động sản và thành lập quỹ mới là quỹ tiết kiệm nhà ở, thậm chí là ngân hàng nhà ở, tái thế chấp cho vay".

Ông Lực cho rằng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân không cần phải quá lo lắng cho thị trường bất động sản trong tương lai. Bất động sản công nghiệp và nhà ở vẫn còn cơ sở để phát triển. Còn bất động sản du lịch thì dù vẫn chưa có đủ cơ sở pháp lý để phát triển nhưng việc giải quyết vấn đề này thực ra không có gì là phức tạp.

Đồng quan điểm, ông Matthew Powell nhận định, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng bất động sản trong khu vực năm 2019. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc bất động sản khác nhau.

"Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng ngày Savills vần luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm; rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam", Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.

Có cái nhìn thận trọng hơn song vẫn lạc quan về thị trường, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết, thông thường thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi 5 yếu tố, rủi ro. Thứ nhất đó là rủi ro kinh tế quốc tế, vấn đề này có lợi cho Việt Nam nhiều hơn hại. Thứ hai là rủi ro về kinh tế vĩ mô thì hiện yếu tố này sẽ không có gì biến động. Thứ 3 là rủi ro về thị trường như các thông tin về quy hoạch, điều chỉnh, mở rộng, lên quận, lên thành phố..., những rủi ro này sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh luồng tiền. Thứ 4 là rủi ro đối tác thì hiện yếu tố này không biến động nhiều. Thứ 5 là rủi ro về chính sách, "tôi cho rằng hiện giờ đã gần nửa năm, các chính sách vĩ mô vẫn không có gì biến động thì tới cuối năm nay chắc cũng vậy". 

Từ các phân tích trên, ông Chung cho rằng, năm nay là một năm nền kinh tế phát triển ổn định và thị trường bất động sản có thể không có nhiều xung lực nhưng không phải là yếu.

Khánh Hà