|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch VnREA: Điểm mạnh của thị trường BĐS Việt Nam là lượng cầu lớn, DN nào có dự án hiện nay thì rất lợi, 'một mình một chợ'

10:37 | 16/05/2019
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VnREA, dù thị trường đang có những dấu hiệu giảm sút nhưng điểm mạnh của BĐS Việt Nam đó là lượng cầu lớn. Hiện rất nhiều người muốn mua nhà và đất, trong khi khả năng để lựa chọn, so sánh các sản phẩm BĐS không nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp nào có dự án hiện nay thì rất có lợi, gần như "một mình một chợ".

Tại Diễn đàn Bất động sản 2019: Xu hướng đầu tư do VCCI và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay (16/5), ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019 có rất nhiều điểm đáng chú ý.

Về bối cảnh kinh tế, so với cùng kỳ, quý I/2019 tăng trưởng GDP giảm; doanh thu các doanh nghiệp BĐS trên sàn chứng khoán giảm; lưu chuyển dòng vốn đầu tư ra các khu vực giảm; lãi suất tăng…

Chủ tịch VnREA: Điểm mạnh của thị trường BĐS Việt Nam là lượng cầu lớn, DN nào có dự án hiện nay thì rất lợi, một mình một chợ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu tại Tại Diễn đàn Bất động sản 2019: Xu hướng đầu tư diễn ra sáng nay (16/5). Ảnh: K.H.

Trên thị trường BĐS cũng có những số liệu giảm sút. Ông Nam dẫn số liệu của Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trong quý I/2019, các dự án được cấp phép tại TP HCM giảm 61%; việc cấp giấy phép xây dựng cho người dân cũng giảm hơn 60%. Trước đó tại TP HCM, có 150 dự án bị ngừng triển khai để kiểm tra rà soát.

Tiếp đó, ông Nam dẫn số liệu từ Báo cáo của Hội Môi giới BDS Việt Nam cho thấy, quý I/2019, lượng hàng hóa về nhà cửa, chung cư, biệt thự trên cả nước, nguồn cung chỉ đạt 70% so với quý IV/2018; còn so với quý cùng kỳ 2018 thì nguồn cung giảm chỉ còn 30%.

Năm 2016 tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng là 12%, còn tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS là 18%. Tới năm 2017 thì ngược lại, tăng trưởng tín dụng chung đạt 18%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng vào BĐS chỉ 12%. Năm 2018, tăng trưởng tín dụng chung giảm về còn 12%, còn tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 5%.

Mặc dù thị trường bất động sản quý I năm nay có những dấu hiệu giảm sút nhưng theo Chủ tịch VnREA, điểm mạnh của thị trường địa ốc Việt Nam đó là lượng cầu lớn.

Lượng tiêu thụ so với tỷ lệ hàng chào bán tại Hà Nội trong quý I đạt gần 70%, tại TP HCM là 80%. Còn tính chung cả năm 2018, lượng giao dịch bất động sản nhìn chung rất tốt. Riêng TP HCM và Hà Nội có trên 80.000 giao dịch BĐS thành công.

"Hiện rất nhiều người muốn mua mua nhà và đất. Mua để ở và để đầu tư. Theo tôi, thị trường BĐS Việt Nam về trung và dài hạn rất tốt. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam là 1 triệu người/năm, tức 1% dân số mỗi năm. Mức độ sở hữu nhà ở, diện tích trung bình tính theo đầu người ở Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 25 m2/đầu người. Con số diện tích nhà ở trung bình theo đầu người này so với khu vực là rất thấp. Ở Thượng Hải dù dân số đông đúc, chật chội vậy nhưng diện tích nhà ờ trung bình đạt 30 m2/đầu người", ông Nam nói.

Theo ông Nam, BĐS cần đất và tiền, nhưng hiện dòng tiền giảm mạnh, nguồn cung đất cũng giảm mạnh. Nhiều quy định, thủ tục dã bị siết rất mạnh như các quy định về đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, cấp phép dự án...

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho biết, nhiều dự án làm cách đây 5-7 năm đã bị đình lại, bị rà soát, xem xét. Trong khi sức mua của dân rất mạnh thì người ta sẽ tìm kiếm, lùng sục xem nên đầu tư vào phân khúc gì, dự án nào trên thị trường.

"Hiện khả năng để nhà đầu tư và người dân lựa chọn, so sánh các sản phẩm về bất động sản trên thị trường không nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp nào có dự án hiện nay thì rất có lợi, gần như "một mình một chợ", nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định.

Khánh Hà