|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau thời gian im ắng, COVID-19 lần nữa khuấy đảo toàn cầu với biến chủng mới có nguy cơ kháng vắc xin

10:51 | 27/11/2021
Chia sẻ
Với tổng cộng 32 đột biến gai, biến chủng Omicron đã dấy lên nguy cơ về khả năng kháng vắc xin mạnh hơn. Mới đây, WHO cũng đã xếp biến chủng này vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại". Sau khi thông tin về biến chủng mới được công bố, nhiều quốc gia đã ra lệnh hạn chế nhập cảnh với người từ các nước miền Nam châu Phi.

WHO xếp biến chủng mới vào nhóm "đáng lo ngại"

Giữa lúc thế giới đang khá tự tin với chiến dịch tiêm chủng diện rộng để sống chung với biến chủng Delta thì một biến chủng khác lại xuất hiện với nhiều đột biến. 

Biến chủng mới với số lượng đột biến lớn được biết đến là B.1.1.529 có liên quan tới tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới ở Nam Phi đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại", Guardian đưa tin ngày 27/11.

Sau cuộc họp khẩn ngày 26/11, WHO cho biết biến chủng này sẽ có tên chính thức là Omicron và xếp vào danh sách "đáng lo ngại". Bằng chứng sơ bộ cho thấy biến chủng mới gây ra “nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến chủng đáng lo ngại khác”.

Biến chủng mới có nguy cơ kháng vắc xin, nhiều quốc gia nhanh chóng áp dụng biện pháp khẩn - Ảnh 1.

WHO cho biết biến chủng COVID-19 mới sẽ có tên chính thức là Omicron và xếp vào danh sách "đáng lo ngại". (Ảnh minh họa: Telegraph).

Hiện có 4 biến chủng được xếp vào nhóm đáng lo ngại gồm Alpha, Beta (lần đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi), Gamma và Delta  - biến chủng đang chiếm ưu thế toàn cầu. Ngoài ra còn có hai biến chủng đáng quan tâm là Lambda và Mu.

Sau tuyên bố của WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng phân loại biến chủng Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.

Theo Guardian đưa tin trước đó, biến chủng B.1.1.529 lần đầu tiên được xác định hôm 23/11 có nguồn gốc từ Nam Phi. Nó nhanh chóng được chú ý bởi mang trên mình số lượng đột biến "cực kỳ lớn".

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy B.1.1.529 có tổng cộng 32 đột biến bất thường ở gai protein, bộ phận vốn là mục tiêu chính của các loại vắc xin ngừa COVID-19. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có khả năng kháng vắc xin mạnh hơn.

Đến nay, Nam Phi xác nhận có khoảng 100 ca dương tính với biến chủng B.1.1.529. Các ca nhiễm biến chủng mới cũng được ghi nhận ở Botswana, Hong Kong và Israel.

Nhiều nước nhanh chóng áp dụng biện pháp khẩn cấp

Thông tin về biến chủng B.1.1.529 mới với số lượng đột biến bất thường được phát hiện cách đây vài ngày ở châu Phi đã khiến nhiều nước lập tức ban bố lệnh cấm đi lại với hàng loạt quốc gia tới từ khu vựa này.

Giới chức Anh ngày 26/11 cũng đã nhanh chóng ra lệnh cấm các chuyến bay đến từ Nam Phi và một số nước lân cận, cũng như yêu cầu những du khách trở về từ khu vực phía nam châu Phi cần phải cách ly.

Bên cạnh đó, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/11 đã tổ chức cuộc họp khẩn và kêu gọi toàn bộ 27 quốc gia thành viên hạn chế hoạt động di chuyển từ miền Nam châu Phi do lo ngại về biến chủng Omicron. 

Biến chủng mới có nguy cơ kháng vắc xin, nhiều quốc gia nhanh chóng áp dụng biện pháp khẩn - Ảnh 2.

Các hành khách xếp hàng tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, hôm 26/11. (Ảnh: AP).

Theo Reuters, tính đến cuối ngày 26/11, 8 quốc gia châu Âu gồm Anh, Áo, Czech, Đức, Italy, Hà Lan, Đan Mạch và Tây Ban Nha cấm nhập cảnh với người từ Nam Phi và một số nước lân cận.

Trước mối lo ngại về biến chủng mới, Chính quyền Mỹ hôm cũng đã tuyên bố các kế hoạch cấm đi lại giữa nước này và Nam Phi cùng một số quốc gia lân cận. Việc hạn chế đi lại sẽ bắt đầu từ ngày 29/11, áp dụng cho Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Một số nước châu Á cũng lập tức ban bố hạn chế đi lại với nhiều nước châu Phi. Theo Japantimes, Nhật Bản quyết định thắt chặt kiểm soát biên giới với du khách đến từ 6 nước châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho và Eswatini bắt đầu từ 27/11.

Trong khi đó, theo Bloomberg, Singapore cũng sẽ tạm ngừng nhập cảnh đối với người không phải công dân của họ đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe bắt đầu từ ngày 28/11. Trong khi đó, công dân và thường trú nhân Singapore từ những nước này trở về phải tự cách ly tại nhà 10 ngày. 

Malaysia có động thái tương tự Singapore. Với những công dân Malaysia trở về và người lao động được cấp phép phải cách ly 14 ngày. Công dân Malaysia cũng bị cấm đến 7 quốc gia trong danh sách trên.

Bên cạnh đó, Philippines tạm ngừng ngay lập tức các chuyến bay đến từ Nam Phi và 6 nước khác do lo ngại biến chủng B.1.1.529. Du khách đến từ 7 nước này sẽ chưa được nhập cảnh Philippines cho đến ngày 15/12.

Phương Trang