|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau thép, nhiều hàng Việt nguy cơ bị vạ lây

07:57 | 19/12/2019
Chia sẻ
Việc Mỹ chính thức công bố áp thuế lên hơn 456% đối với một số sản phẩm thép không chỉ gây thiệt hại riêng cho ngành này mà nguy cơ, nhiều hàng hóa khác cũng có thể bị tương tự.
avatar_1576715577374

Thép cán nguội của VN sẽ bị bít đường xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh: CTV.

Việc Mỹ chính thức công bố áp thuế lên hơn 456% đối với một số sản phẩm thép không chỉ gây thiệt hại riêng cho ngành này mà nguy cơ, nhiều hàng hóa khác cũng có thể bị tương tự.

Cửa vào Mỹ “đóng” với thép cán nguội

Cần có các biện pháp “sắt” hơn nữa

Mong nhà nước cần có các biện pháp “sắt” hơn nữa với hành vi cố tình lẩn tránh xuất xứ Việt để đưa hàng đi Mỹ và các nước khác. Cần cảnh báo đến nhiều ngành, không riêng gì hải quan, biên phòng hay quản lý thị trường.

Năm nay Việt Nam tuyên bố xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 40%, chúng ta đang hân hoan vì việc đó. Theo tôi thành tích đó không đáng hoan nghênh. Tại sao? Vì trong khi các thị trường khác xuất khẩu đang giảm và Việt Nam lại đang dẫn đầu các nước bị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ.

Ngành gia công xuất khẩu của chúng ta đang bị lợi dụng, thậm chí có một số thành phần đang làm hộ hay tiếp tay cho hành vi gian lận này. Theo tôi, tăng trưởng bằng thực lực xuất khẩu mới là điều đáng trân quý.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), từ ngày 16.12, thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng sẽ bị áp mức thuế lên hơn 456% (mức thuế mà Mỹ đang áp dụng với thép Trung Quốc). 

Nếu doanh nghiệp (DN) chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan thì sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE và 24,2% với thép CRS) và Đài Loan (10,34% với thép CRS).

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Đông Á - chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tôn/thép cán nguội, cho biết ngay từ đầu năm 2018, khi thông tin căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra, công ty đã tìm cách mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Canada, Mexico, châu Âu và Đông Nam Á. 

Đa số DN làm thị trường này đã chuẩn bị tinh thần và hạn chế tối đa nhất mức độ rủi ro với thị trường Mỹ. 

Tuy nhiên, việc áp thuế chống bán phá giá với hàng Việt Nam xuất đi Mỹ không dừng lại ở thép, mối nguy có thể xảy đến với nhiều mặt hàng đang có độ tăng trưởng xuất khẩu nóng sang thị trường này. Sau thép có thể là dệt may, gỗ ván, linh kiện...

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lo ngại nếu áp thuế lên hơn 456%, cửa vào thị trường Mỹ của sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sẽ hoàn toàn bị “đóng lại”. 

Với mức thuế khủng đó, không có nhà nhập khẩu nào dám mua hàng từ Việt Nam. Riêng đối với các sản phẩm thép khác thì không tác động nhiều, nhưng xuất khẩu vào thị trường Mỹ phần lớn cũng là nhóm sản phẩm trên. 

Với thép xây dựng thì xuất khẩu chính là tại các nước trong khu vực ASEAN. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy thị trường Mỹ chiếm 6,5% trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong khi thị trường Đông Nam Á chiếm đến 65%.

Sau thép, nhiều hàng Việt nguy cơ bị vạ lây - Ảnh 3.

Thép cán nguội của VN sẽ bị bít đường xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh: CTV.

25 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra

Ngày 8.11, Canada đã khởi xướng điều tra CBPG, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) từ Việt Nam và một số nước. Trước đó, Indonesia đã công bố áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức từ 12,01% đến 28,49% trong 5 năm.

3 ngày trước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã gửi công văn đến các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư yêu cầu tăng cường công tác quản lý đầu tư nước ngoài trong phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. 

Đi kèm với văn bản là danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Danh sách này do Bộ Công thương cập nhật tới hết tháng 9.2019 gồm 25 mặt hàng có nguy cơ cao. 

Đứng đầu là nhóm sản phẩm gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng xuất khẩu vào Mỹ. Hiện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Thứ hai là nhóm sản phẩm đá nhân tạo từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với thuế hiện hành 0%. 

Số liệu cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019, sản phẩm này từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 84% so với cùng kỳ năm 2018 sau khi bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đến 336,69% và thuế chống trợ cấp đến 190,99%. 

Nhưng sản phẩm từ Việt Nam nhập vào Mỹ lại tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, một số sản phẩm khác gồm có giá để đồ bằng sắt, vành thép không gỉ, xơ sợi tổng hợp, thép tiền chế, lá nhôm vào thị trường Mỹ hay xe đạp điện, thép chống ăn mòn, thép tấm cán nóng xuất vào thị trường EU, Canada... 

Nhìn chung trong danh sách này, các sản phẩm từ Việt Nam đưa sang thị trường Mỹ chiếm đa số.

Ông Trần Việt Tiến, Ủy viên thường vụ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, thừa nhận nguy cơ với ngành chế biến gỗ là rất cao. 

Gỗ dán của Việt Nam vào Mỹ đang tăng mạnh. Số lượng DN đầu tư nước ngoài chủ yếu từ Trung Quốc đăng ký gia nhập vào ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng tăng mạnh từ năm 2018 đến nay. 

Thông tin cho thấy, nhiều tàu chở nguyên liệu gỗ, nội thất tháo rời từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đi lòng vòng qua Singapore, Campuchia sau đó mới cập cảng Việt Nam.

“Đó chính là nguy cơ cho ngành gỗ. Chính vì lẽ đó, Hải quan TP.HCM cũng từng bắt buộc kiểm tra 100% lô hàng gỗ xuất khẩu đi Mỹ. Với hàng nội thất, nguy cơ bị áp thuế CBPG không cao nhưng tuyệt đối không nên chủ quan. 

Chúng tôi đã làm việc với nhiều cơ quan Chính phủ, Bộ Công thương về chương trình CBPG vì phải đề phòng từ xa. Theo tôi, tất cả các mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ có dấu hiệu tăng đột biến, cơ quan quản lý cần xem xét kỹ”, ông Trần Việt Tiến nhấn mạnh.

Qua kiểm tra giám sát tại hải quan các tỉnh thành, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), cũng cảnh báo về nguy cơ gian lận xuất xứ đối với mặt hàng dệt may là rất cao. 

Ngoài việc chuyền tải bất hợp pháp, hải quan còn phát hiện một số sản phẩm của Trung Quốc nhập hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ hoặc đường biển có dán sẵn nhãn mác “Made in Vietnam”. 

Một số trường hợp DN nhập khẩu từ nước ngoài về, chỉ thực hiện một số khâu gia công đơn giản, không đáp ứng được về quy tắc xuất xứ, chuyển đổi mã HS, hàm lượng nhưng trên sản phẩm hoặc khi khai hải quan, vẫn khai là hàng hóa xuất xứ Việt Nam...

Nguy cơ đã “vào tận nhà”

DOC khẳng định thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu thép cán nóng của Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng quá trình chuyển đổi là “không đáng kể”. 

Ông Nghiêm Xuân Đa khuyến cáo để không bị áp thuế thì các DN phải chủ động dừng sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia đang bị Mỹ áp thuế. Hiện nay tổ hợp Formosa tại Hà Tĩnh có thể đáp ứng được khoảng 30% nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất thép trong nước. 

Bên cạnh đó, các DN có thể mua nguyên liệu từ một số nước khác như Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Nếu như trước đây nguyên liệu từ các nước này thường cao hơn sản phẩm từ Đài Loan, Trung Quốc thì nay cũng khá cạnh tranh.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, nói thẳng: “Các DN phải trung thực không tiếp tay cho tình trạng gian lận thương mại để bảo vệ chính mình và cả ngành sản xuất trong nước. Tôi nghĩ rằng Mỹ không có ý đồ xấu với Việt Nam mà họ chỉ muốn sự công bằng trong mọi hoạt động”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh vấn đề Việt Nam bị vạ lây từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã không còn là cảnh báo hay là nguy cơ mà đã thực sự “đi vào nhà của mình rồi”.

Mai Phương - Nguyên Nga