Sau Sabeco, lĩnh vực nào sẽ 'hút' M&A từ nhà đầu tư ngoại?
TP HCM dẫn đầu M&A bất động sản cả nước |
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn "rót" vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hiện đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất...
Nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường M&A với việc số lượng thương vụ M&A của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trong đó M&A đã trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó.
Hàng loạt nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường M&A Việt Nam thời gian qua - Ảnh: Internet |
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập ngày 19.12, bà Trần Kim Oanh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) chia sẻ hiện nay có 3 lĩnh vực công nghiệp tiềm năng tại Việt Nam đang thu hút đầu tư thông qua hình thức M&A.
Thứ nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm. Bà Oanh cho biết đây là lĩnh vực có hoạt động sôi động nhất trong lĩnh vực công nghiệp, liên quan đến các thương vụ đình đám như: CJ Cheiljedang Corporation (CJCJ) - một công ty con chuyên về thực phẩm và công nghệ y sinh của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mua thực phẩm Cầu Tre; Kido Group mua Tường An; Tập đoàn Daesang và Duc Viet Foods...
Chỉ ra lý do khiến ngành này thu hút các nhà đầu tư ngoại, bà Oanh cho rằng tỷ lệ tiêu thụ nội địa của Việt Nam lớn vì 93 triệu dân đang thay đổi phương thức tiêu dùng trong ngành chế biến thực phẩm này. Mức tiêu thụ trong nước đạt 30 tỉ USD, tăng trưởng đều đặn mỗi năm 18,6%/năm. Trong khi đó, nguyên liệu dồi dào khi đứng đầu thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu như gạo, café, chè, thủy sản, rau củ quả.... Năm 2017 dự kiến công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam sẽ xuất khẩu 33 tỉ USD.
Năng lực sản xuất tăng với vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý sản xuất cũng đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì họ có thế mạnh về vốn, máy móc công nghệ, quản lý.
Thứ hai là lĩnh vực năng lượng. Đây là lĩnh vực được bà Oanh đánh giá là có tiềm năng lớn khi Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch điện, trong đó sẽ xây dựng nhiều công trình điện quy mô lớn. Giai đoạn đến năm 2025, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió và mặt trời. Sau năm 2025, phát triển các dạng năng lượng tái tạo mới như địa nhiệt, sóng biển... Đây là những ngành năng lượng cần kỹ thuật công nghệ rất cao và cần sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam càng lớn và đều đặn thì nhu cầu về năng lượng tại Việt Nam càng lớn nên ngành này được xem là tiềm năng cho nhà đầu tư nước ngoài. Các thương vụ tại lĩnh vực này phải kể đến như: JX Nippon Oil& Gas Exploration mua cổ phần Petrolimex; Orix thâu tóm Bitexco Group...", bà Oanh cho hay.
Thứ ba là vật liệu xây dựng. Lĩnh vực này đang có tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu thị trường mỗi năm tăng từ 7 - 10%, việc sáp nhập sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất trong bối cảnh ngành xi măng nói riêng và vật liệu xây dựng Việt Nam nói chung đang trong tình trạng cung vượt cầu, khiến các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn. Do đó, sau sáp nhập sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi được người tiêu dùng quan tâm như giá thành xây dựng rẻ.
Những thương vụ trong lĩnh vực này như: Tập đoàn SCG của Thái Lan mua lại 100% vốn cổ phần, tương đương 156 triệu USD từ các cổ đông hiện tại của Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung; Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) của Thái Lan cũng đã chi hàng trăm triệu USD để nắm giữ 65% phần vốn pháp định của Tập đoàn LafargeHolcim tại Công ty Holcim Việt Nam...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương mới đây đã ra quyết định thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp trong năm 2018 như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (thoái 24,86%); Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt nam (thoái 46,75%); Tổng công ty máy và TB công nghiệp – Công ty CP (thoái 63,54%); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (thoái 53,48%); Tổng công ty Thép Việt Nam (thoái 57,92%); Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương (thoái 63,46%); Công ty CP Xây dựng và NK Tổng hợp (thoái 60,17%); Công ty CP Nhựa Việt Nam (thoái 64,65%); Công ty CP Nông thủy sản Việt Nam (thoái 23,00%); Công ty CP Đầu tư xây lắp và VLXD (thoái 18,43%).
Số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong năm 2017 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung 11 tháng năm 2017 đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
"Những con số này cho thấy công nghiệp Việt Nam đang trong đà phát triển mạnh mẽ. Nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp và tiềm năng vốn lớn, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và phát triển hơn nữa", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/