|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau quyết định xử phạt nữ doanh nhân thao túng cổ phiếu, Đại Thiên Lộc công bố khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay trong một quí

12:02 | 06/05/2020
Chia sẻ
Tình hình khó khăn của Đại Thiên Lộc trong năm 2018, 2019 vẫn đang tiếp diễn qua năm 2020. Bên cạnh việc con gái Chủ tịch HĐQT thao túng cổ phiếu, đang có hàng loạt giao dịch mua bán cổ phiếu DTL của các thành viên liên quan trong thời gian gần đây.

Trong một diễn biến mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thanh Loan vì sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (Mã: DTL).

Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm, UBCKNN cho rằng không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thanh Loan. Theo đó, mức phạt mà UBCKNN đưa ra đối với bà Nguyễn Thanh Loan là 550 triệu đồng.

Đằng sau quyết định xử phạt nữ doanh nhân thao túng cổ phiếu Đại Thiên Lộc - Ảnh 1.

Biểu hiện thao túng cổ phiếu DTL xuất hiện từ giữa năm 2018, ngay thời điểm DTL gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh (ảnh: Fireant)

Kinh doanh tiếp tục khó khăn sau quyết định rút khỏi HOSE bất thành

Trong một diễn biến khác diễn ra vào cuối tháng 9/2019, Hội đồng quản trị DTL đã quyết định tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua một nội dung có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của của cổ đông công ty: Rút khỏi HOSE xuống giao dịch trên UpCom – nơi có các tiêu chí ít khắt khe hơn so với HOSE nhưng vẫn cho phép các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần khi có nhu cầu.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Công ty đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập đến nay. Theo ý kiến chuyên gia, việc doanh nghiệp rút khỏi sàn HOSE, chuyển sang UpCoM là một bước lùi để ban lãnh đạo công ty bớt áp lực công bố thông tin và các chỉ tiêu tài chính, tập trung cho kế hoạch tái thiết lại hoạt động kinh doanh của công ty.

Dù đạt được tỉ lệ đồng ý 89,75% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, song, do phía cổ đông không phải cổ đông lớn đồng loạt từ chối nên Đại Thiên Lộc không thể thông qua việc huỷ niêm yết tự nguyện. 

Trước đó, ngày 22/4/2019, HOSE đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu DTL vào diện cảnh báo. Hiện cổ phiếu DTL vẫn đang giao dịch trên sàn HOSE theo diện kiểm soát đặc biệt sau khi thua lỗ hai năm liên tiếp từ 2018 đến 2019.

Tình hình khó khăn của Đại Thiên Lộc vẫn đang tiếp diễn qua năm 2020. Báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 của Đại Thiên Lộc vừa công bố cho thấy, doanh thu của doanh nghiệp này đã tiếp tục giảm 38% trong quí I năm nay xuống mức 401 tỉ đồng từ mức 647 tỉ đồng cùng kì năm ngoái.

Sau quyết định xử phạt nữ doanh nhân thao túng cổ phiếu, Đại Thiên Lộc công bố khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay trong một quí - Ảnh 2.

Đơn vị: tỉ đồng (Nguồn: BCTC Đại Thiên Lộc)

Công ty cũng gần như không còn doanh thu từ xuất khẩu trong quí I. Trong khi đó, giá vốn hàng bán kì này lên đến 447 tỉ đồng khiến DTL lỗ gộp 46,5 tỉ đồng so với mức lãi 30 tỉ đồng của quí I/2019.

Dù đã cắt giảm 84% chi phí bán hàng xuống còn 2 tỉ đồng, nhưng do chi phí lãi vay và chi phí quản lí doanh nghiệp, Đại Thiên Lộc lỗ ròng 95 tỉ đồng trong quí I/2020, mức lỗ này gần gấp 4 lần so với cùng kì năm trước và là mức lỗ lớn nhất trong một quí của công ty từ trước đến nay.

Lí giải về kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống, ban lãnh đạo Đại Thiên Lộc cho biết, doanh thu của công ty giảm mạnh trong quí I chủ yếu do giá tôn, thép trong nước biến động mạnh. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ giảm, cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành nghề làm cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, các chuyên gia phân tích cũng đã có những dự báo, thị trường tôn mạ sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết trong những năm tới. Hiện công suất của các nhà máy tôn mạ trong nước đã vượt nhu cầu nội địa sau sau khi ngành tôn mạ báo lãi lớn những năm 2016-2017.

Bên cạnh các đối thủ như Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, hai ông lớn ngành thép xây dựng là Hoà Phát và Pomina cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sẵn sàng nhảy tranh chiếc bánh thị phần. Theo ước tính của CTCK MBS, tiêu thụ dự kiến ở mức 4,5 – 5 triệu tấn, trong khi tổng công suất ngành đã lên đến 7,5 – 8 triệu tấn vào cuối năm 2019 sau khi khi các nhà sản xuất lớn ồ ạt tăng công suất.

Với Đại Thiên Lộc, sau hơn hai năm liên tiếp thua lỗ, tình hình tài chính của Đại Thiên Lộc đang ngày càng bấp bênh. Tổng tài sản ghi nhận 2.695 tỉ đồng nhưng chỉ còn 14,4 tỉ đồng tiền mặt. Hiện số nợ vay của DTL cũng đã lên đến 1.350 tỉ đồng.

Cổ đông nội bộ liên tục đăng kí mua bán

Theo các chuyên gia chứng khoán, thông thường, việc một cá nhân bị xử phạt do tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu nhưng "không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm" có thể chỉ là bước đầu của một kế hoạch; riêng hoạt động mua bán, tạo thanh khoản cho cổ phiếu rất có thể nhằm thu hút nhà đầu tư quan tâm, sau đó mới đến những bước tiếp theo như huy động vốn, hoặc nhằm bán ra số cổ phiếu họ đã gom vào hoặc sở hữu trước đây thu tiền về.

Trong trường hợp của DTL mới đây, được biết, người vừa bị UBCKNN xử phạt là bà Nguyễn Thanh Loan, con gái ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Bà Loan từng làm Tổng giám đốc Đại Thiên Lộc trước khi từ nhiệm từ ngày 3/7/2019.

Một diễn biến đáng quan tâm khác, không chỉ có bà Loan, các cổ đông nội bộ khác trong gia đình là bà Nguyễn Thanh Trúc, và Công ty TNHH Sản xuất Thép Tâm Đức (công ty do vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch HĐQT DTL và con gái là bà Nguyễn Thanh Trúc cùng tham gia góp vốn) cũng tham gia mua, bán cổ phiếu DTL trong thời gian gần đây.

Cụ thể, sau khi cổ phiếu DTL rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ tháng 3/2016 (khoảng 8.500 đồng/cp), ngày 19/3/2020, Thép Tâm Đức, cổ đông lớn thứ hai sở hữu khoảng gần 20% cổ phiếu DTL thông báo đã mua thành công 958.790 cổ phiếu trên con số 1 triệu đơn vị đăng ký mua vào.

Tiếp đến, Thép Tâm Đức đăng kí bán ra 1 triệu cổ phiếu DTL sau khi giá phục hồi, trong khoảng thời gian từ 23/3-21/4. Tuy nhiên, giao dịch này đã không thực hiện được.

Gần nhất, Thép Tâm Đức lại tiếp tục đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu DTL sau khi đăng ký bán ra bất thành.

Với bà Nguyễn Thanh Trúc, từ 17/2-16/3, bà Trúc đã được 235.000 đơn vị trên tổng số đăng ký là 2,5 triệu cổ phiếu đăng kí trước đó với lí do tình hình thị trường không thuận lợi. 

Đến ngày 17/3, bà Trúc đăng ký mua thêm 2,2 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 23/3-21/4 (cùng thời gian Thép Tâm Đức đăng kí bán ra) nhưng cuối cùng không thực hiện được do "giá không thuận lợi".

Ngày 22/4, bà Trúc lại tiếp tục đăng kí mua 2,2 triệu cổ phiếu DTL, thời gian thực hiện giao dịch dự kiến trong khoảng 28/4-27/5.

Đằng sau quyết định xử phạt nữ doanh nhân thao túng cổ phiếu Đại Thiên Lộc - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu DTL từ năm 2016 (Ảnh: Fireant)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5, cổ phiếu DTL đã về lại mức 18.100 đồng/cp, tăng 10.100 đồng/cp kể từ mức giá thấp nhất thiết lập ngày 24/2. Tuy nhiên, đã 10 phiên liên tiếp, DTL không hề có giao dịch phát sinh, mức giá 18.100 đồng/cp giữ nguyên kể từ ngày 16/4 đến nay.

Hoàng Trung