|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau khi thành công sang Nhật Bản, vải thiều Bắc Giang lại chuẩn bị bay tới Mỹ

18:02 | 28/05/2021
Chia sẻ
Sau khi chuyến vải thiều sớm Bắc Giang đã cập bến Nhật Bản ngày 27/5 và được bán với giá từ 350.000 đồng/kg thì lô hàng tiếp theo lại chuẩn bị bay sang Mỹ.
Sau khi thành công sang Nhật Bản, vải thiều Bắc Giang lại chuẩn bị bay sang Mỹ - Ảnh 1.

Vải thiều Việt Nam được bán tại một siêu thị ở Singapore. (Ảnh: Đầu tư chứng khoán).

Vượt bão COVID-19, vải thiều Bắc Giang đặt chân đến các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Mới đây, Công ty cổ phần New Ag Tecnologies Việt Nam (Hà Nội) thu mua 5 tấn vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) xuất khẩu đi thị trường Mỹ.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang, cho biết: "Mỹ là khách quen của vải thiều Bắc Giang trong nhiều năm qua. Hiện, có hơn 20 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đăng ký xuất khẩu sang Mỹ".

Bên cạnh thị trường Mỹ, vải thiều Bắc Giang sẽ được mở rộng thêm ở các nước như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…

Tỉnh Bắc Giang cho biết đang phối hợp cùng với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước để thúc đẩy xuất khẩu vải thiều, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. 

"Cơ hội xuất khẩu vải của Việt Nam tại Mỹ khá rộng mở, tuy nhiên lượng xuất khẩu sang châu Âu chưa nhiều do quãng đường cách Việt Nam 12.000km, chi phí vận chuyển cao, thời gian bảo quản dài", ông Thọ nói.

Tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ đầu tư ứng dụng nâng cấp công nghệ sơ chế, bảo quản để tăng sản lượng xuất khẩu sản lượng lớn.

Từ tâm dịch Bắc Giang, vải thiều sắp bay sang Mỹ - Ảnh 1.

Vải thiều được kiểm tra các chỉ số trước khi lên đường sang Mỹ (Ảnh: NVCC)

Đại diện Công ty New Ag Tecnologies Việt Nam cho biết công ty thu mua 5 tấn xuất khẩu đi Mỹ để thăm dò thị trường. Các sản phẩm vải thiều tươi kích cỡ 30 quả/kg, không tồn dư chất độc hại sẽ được thu mua và sơ chế bằng chất bảo quản hữu cơ của Mỹ, có thể giữ được 2-3 tháng.

Khác với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng các loại trái cây tươi thì thị trường Mỹ tiêu dùng nhiều các sản phẩm hoa quả sấy.

Do đó, công ty sẽ tiêu thụ 50% vải sớm tươi sẽ được vận chuyển theo đường bay, 50% vải thiều sấy khô sẽ vận chuyển theo đường biển.

"Mỹ là thị trường mở, tiềm năng nhưng sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn quốc tế. Do đó, năm 2022, công ty sẽ hợp tác với người dân, khoanh vùng 30ha sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu", đại diện công ty nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX sản xuất - tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết: "Toàn bộ vùng vải xuất khẩu được quy hoạch trồng theo quy trình GlobalGAP cho quả chất lượng, cùi dày, giòn, ngọt thanh, mã đẹp. Vải được thu mua với giá 25.000 đồng/kg".

Sau khi thu hoạch, vải được cắt cuống, khử khuẩn theo quy định, đóng gói tạm thời trong thùng xốp, sau đó được xử lý tại một cơ sở tại tỉnh Nam Định, xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện tại, các thương nhân chủ yếu thu mua vải thiều sớm trên địa bàn huyện Tân Yên, Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Tính đến thời điểm 27/5, tỉnh Bắc Giang thu hoạch được 10.935 tấn, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc ước đạt 3.198 tấn, xuất sang Nhật Bản ước đạt 20 tấn vải thiều, còn lại 70% tiêu thụ nội địa.

Hoàng Anh