|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Sau gói tiền mặt chưa có tiền lệ là việc đón đầu cuộc chơi mới'

06:59 | 07/04/2020
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng gói hỗ trợ an sinh xã hội có vai trò quan trọng giữa bối cảnh dịch Covid-19. Ngoài ra, cần phải tính đến cả việc phục hồi kinh tế sau dịch.

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, lần đầu tiên Chính phủ dự kiến tung ra gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho hàng triệu người chịu ảnh hưởng. Theo tính toán, nhiều đối tượng xã hội sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng, thấp nhất là 500.000 đồng/người/tháng. Nhiều người đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Hiện tại, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đang do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì soạn thảo, chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng ký ban hành.

Song song với đó, Bộ KHĐT cũng đang tính đến những việc cần làm ngay để có những phản ứng chính sách phù hợp, đồng thời xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Nhân bối cảnh này này, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ với Zing về việc triển khai các chính sách an sinh, xã hội, các sách lược chuẩn bị phục hồi nền kinh tế.

'Sau gói tiền mặt chưa có tiền lệ là việc đón đầu cuộc chơi mới' - Ảnh 1.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Hà.

“Không bỏ sót ai, nhưng không ai lợi dụng”

“Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn nghìn lần những luận bàn cao siêu”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là 2 câu thành ngữ mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn ra khi mở đầu cuộc nói chuyện. Ông nhấn mạnh lúc dịch bệnh lây lan và bùng phát thì những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, người lao động rất dễ bị tổn thương rất cần những hỗ trợ của Nhà nước.

Dự thảo nghị quyết có ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm an sinh, giúp giữ vững ổn định xã hội, thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động”. Gói hỗ trợ cũng nhằm duy trì tổng cung và tổng cầu cho nền kinh tế, một điều được đánh giá rất quan trọng.

Về việc triển khai, ông cho biết ngày 6/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch. Báo cáo này có những vấn đề vượt thẩm quyền để Ủy ban cho ý kiến để tổ chức triển khai. Dự kiến ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp về vấn đề này.

“Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Thủ tướng sẽ ký ban hành. Khi đó, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội sẽ xây dựng hướng dẫn triển khai ngay”, ông nói.

'Sau gói tiền mặt chưa có tiền lệ là việc đón đầu cuộc chơi mới' - Ảnh 2.

Dự kiến hàng triệu người sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: Hoàng Hà.

Về thủ tục, Bộ trưởng Dũng cho biết khi thiết kế chính sách, cơ quan này lưu ý đến thủ tục đơn giản nhất có thể, giúp thuận lợi cả khi triển khai, cả trong quản lý giám sát.

Ông cho rằng cần giao chặt thẩm quyền cho các địa phương. Chính địa phương quản lý dân cư, lao động, các đối tượng xã hội trên địa bàn, đồng thời gắn với kinh phí của chính địa phương. Theo đó, địa phương nào có điều tiết ngân sách về trung ương thì phải dùng khoản dự phòng và vượt thu để hỗ trợ trong gói này. Ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ những tỉnh khó khăn.

Mục tiêu là không bỏ sót ai, nhưng không ai được lợi dụng

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo người đứng đầu ngành KHĐT, với các đối tượng bảo trợ xã hội như người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo… các địa phương đều đã nắm danh sách qua hệ thống an sinh xã hội. Do đó, việc lập danh sách, hỗ trợ sẽ không gặp quá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc rà soát, lập danh sách người lao động tự do, người bị cắt việc, nghỉ việc, ngừng việc… Điều này đòi hỏi một số thủ tục nhất định theo đúng quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Chính phủ sẽ giải ngân gói hỗ trợ đơn giản nhưng chặt chẽ, thận trọng, tránh những người khai gian và trục lợi chính sách.

“Mục tiêu là không bỏ sót ai, nhưng không ai được lợi dụng”, ông chia sẻ.

Đón đầu sự phục hồi

Hiện tại, Bộ trưởng KHĐT cho biết Chính phủ ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là chống dịch, dập dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, còn những vấn đề khác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, trong đó có nhiệm vụ phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị 11 mà Thủ tướng đã ký ban hành. Dự kiến ngày 10/4 sẽ có hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công.

“Ưu tiên số một mình đã làm rồi, giờ là lúc phải cứu nền kinh tế, tính đến sự tồn tại hay phá sản của doanh nghiệp, cuộc sống và việc làm của người lao động”, ông nói.

Giờ là lúc phải cứu nền kinh tế, tính đến sự tồn tại hay phá sản của doanh nghiệp, cuộc sống và việc làm của người lao động

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Ông cảnh báo nếu lơ là vấn đề kinh tế thì hệ quả phải giải quyết còn phức tạp hơn rất nhiều so với những thứ mà chúng ta phải giải quyết do dịch bệnh gây ra.

Hiện tại, Bộ KHĐT đang triển khai nghiên cứu 2 vấn đề mang tính chiến lược.

Một là xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời. Những việc cụ thể như cải cách thể chế, chuyển đổi số, xây các công trình trọng điểm... Ông nhấn mạnh khi tất cả đang dừng lại là lúc Việt Nam có thể chuẩn bị, để khi hết dịch có thể chuyển đổi ngay, đáp ứng năng lực tham gia cuộc chơi mới.

'Sau gói tiền mặt chưa có tiền lệ là việc đón đầu cuộc chơi mới' - Ảnh 5.

Bộ trưởng KHĐT cho rằng trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập sau dịch, đó là cơ hội để Việt Nam vươn lên. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vấn đề thứ hai là xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau dịch. Nhiệm vụ là dự báo những thay đổi trật tự trên thế giới từ tác động của dịch, từ đó đưa ra chính sách để tận dụng cơ hội và xu thế mới.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho rằng cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch Covid-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy.

Theo đó, các cấu trúc kinh tế như sản xuất, thương mại, đầu tư... và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế.

Như vậy, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải nâng cao sức mạnh nội tại để đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch, dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh.

“Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau một cuộc chơi mới sắp diễn ra”, ông chia sẻ.


Hiếu Công