|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sắp hết thời 'đất vàng' khi cổ phần hóa bị tư nhân 'thâu tóm' với giá bèo?

22:21 | 04/10/2017
Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi bước vào công cuộc cổ phần hóa do đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp nên đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước sau khi tư nhân vào và “thâu tóm” đất vàng. Tuy nhiên, tới đây, khi Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần được ban hành, điều này sẽ bị loại bỏ. 
sap het thoi dat vang khi co phan hoa bi tu nhan thau tom voi gia beo
Đất vàng số 4 phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) của hãng phim truyện Việt Nam với diện tích sử dụng gần 5.500 m2

Sơ hở dẫn đến nguy cơ tiêu cực

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giảm dần vai trò tham gia trực tiếp của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm tiến hành cổ phần hóa, quá trình này ở nước ta cho thấy vẫn bộc lộ nhiều vấn đề pháp lý vướng mắc, sơ hở, dẫn đến nguy cơ tiêu cực, tham nhũng và gây thất thoát tài sản.

Một trong những kẽ hở lớn nhất được chỉ ra đó là việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản.

Theo đánh giá của một số chuyên gia và luật sư, các nghị định về cổ phần hóa hiện chưa tính đến yếu tố giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị tài sản cổ phần hóa. Trong khi, đây thường là khoản có giá trị rất lớn, đôi khi là lớn nhất của doanh nghiệp, nhất là giá thuê đất của Nhà nước thường rất thấp so với giá thị trường.

Lý do là Luật Ðất đai năm 2013 quy định, doanh nghiệp chỉ được giao đất đối với đất ở, còn các trường hợp khác thì phải thuê đất, với sự lựa chọn hai cách trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm. Nếu trả tiền thuê đất một lần thì giá trị quyền sử dụng đất sẽ cấu thành vào giá trị tài sản, còn đối với đất thuê trả tiền hằng năm thì không được tính vào giá trị tài sản.

sap het thoi dat vang khi co phan hoa bi tu nhan thau tom voi gia beo
Trụ sở Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Tuấn Minh

Điển hình, vụ lùm xùm tại Hãng phim Truyện Việt Nam vừa qua là một trong những minh chứng rõ nét cho nguy cơ thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Với hơn 60 năm tuổi đời, sở hữu hơn 400 bộ phim và đạt 30 giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế nhưng khi định giá, thương hiệu hãng phim chỉ được định giá "0 đồng". Cùng với đó, 4 mảnh "đất vàng" nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô và TP.HCM cũng được định giá bằng 0.

Câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam gợi mở một phần bức tranh toàn cảnh về những góc pháp lý còn nhiều bất cập. Các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá khiến các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa hay xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, đồng thời, những kẽ hở này cũng vô tình tạo ra tính "hợp lý hóa" cho một số sai phạm.

Có một thực trạng lâu nay là các doanh nghiệp Nhà nước nắm trong tay quỹ đất rất lớn, với nhiều vị trí đắc địa tại các thành phố lớn nhưng giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại được xác định rất thấp. Nguyên do là đất có quyền sử dụng được định giá theo khung giá của nhà nước, thấp hơn giá thực tế rất nhiều, còn đất thuê không được tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đó là lý do những năm qua có nhiều doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm với giá thấp đến khó tin.

Một vấn đề khác là, quy định về cổ phần hóa lâu nay theo hướng khá chặt chẽ về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí triển khai cổ phần hóa nhằm hạn chế việc thất thoát tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, điều này lại mới chỉ nhằm định giá đúng và giữ cho tài sản Nhà nước tránh bị thất thoát, mà không coi trọng yếu tố quan trọng nhất là thị trường, để sao cho đạt giá bán tối đa cho hàng hóa cổ phiếu.

Ðiều này dẫn đến tình trạng hạn chế chi phí thỏa đáng cho công tác truyền thông, phổ biến công khai, minh bạch, rộng rãi nhằm mời chào, thu hút được tối đa các nhà đầu tư quan tâm tham gia đấu giá khi cổ phần hóa cũng như khi thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp...

Sắp hết thời "đất vàng" lọt tay tư nhân với giá... bèo?

Trước thực trạng trên, đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011, Nghị định số 189/2013 và Nghị định số 116/2015). Trong đó, hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai, ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trao đổi về nội dung nghị định mới này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, quy định như trên sẽ ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý, mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

"Về vấn đề đất đai phải quy hoạch, doanh nghiệp có bao nhiêu mảnh đất phải kê ra và kê rõ danh mục đất có phù hợp không, thừa phải thu về. Còn nếu để sản xuất kinh doanh thì cũng phải công khai rõ đất để làm gì nhà xưởng, nhà kho, bãi xe và không chuyển đổi mục đích. Doanh nghiệp cố tình không quy hoạch, khai báo, thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. Kỷ luật kỷ cương phải chấn chỉnh lại", ông Tiến nhấn mạnh./.

Tuấn Minh