|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sắp có Thông tư cho phép người nước ngoài được gửi tiết kiệm tại TCTD

09:02 | 10/07/2017
Chia sẻ
Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ, ngoại tệ giữa TCTD với cá nhân. Trong đó, việc nhận tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ chỉ áp dụng đối với TCTD được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ, ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) với cá nhân, nhằm thay thế Quy chế tiền gửi tiết kiệm hiện hành (gồm Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN, Quyết định 47/2006/QĐ-NHNN và Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN).

sap co thong tu huong dan giao dich tien gui tiet kiem tai tctd
Gửi tiết kiệm ngân hàng (Ảnh minh họa).

Theo dự thảo Thông tư, đối tượng nhận tiền gửi tiết kiệm gồm TCTD (không gồm các TCTD phi ngân hàng) được thành lập tại Việt Nam, Ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính vi mô. Việc nhận tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ chỉ áp dụng đối với TCTD được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.

Đối tượng gửi tiền tiết kiệm gồm người cư trú là pháp nhân Việt Nam, cá nhân được gửi tiền gửi có kỳ hạn bằng VNĐ, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ; người không cư trú là pháp nhân nước ngoài, cá nhân có hiện diện tại Việt Nam được gửi tiền gửi có kỳ hạn bằng VNĐ, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ.

Trước đó, các quy định tại Pháp lênh ngoại hối (PLNH) không có quy định cho phép người cư trú là cá nhân nước ngoài, người không cư trú được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ tại TCTD.

Dự thảo thông tư cũng quy định người cư trú, người không cư trú chỉ được sử dụng VNĐ, ngoại tệ trên tài khoản thanh toán VNĐ, tài khoản thanh toán ngoại tệ của người cư trú, người không cư trú để gửi tiền gửi có kỳ hạn. Quy định này để đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và mục tiêu quản lý ngoại hối, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Về thẻ tiết kiệm, dự thảo Thông tư quy định các nội dung cơ bản của Thẻ tiết kiệm như thông tin người gửi tiền; thông tin TCTD; quyền trách nhiệm của các bên; số tiền, kỳ hạn, lãi suất; cầm cố thẻ tiết kiệm, thừa kế, rút trước hạn; kéo dài kỳ hạn; …

Liên quan đến rút tiền gửi trước hạn, trên cơ sở kế thừa các quy định tại Quyết định 1160, dự thảo Thông tư quy định: Khách hàng được rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa TCTD với khách hàng tại Thẻ tiết kiệm; TCTD quy định và công bố công khai thời hạn tối thiểu người gửi tiền phải thông báo trước việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm tại các địa điểm giao dịch của TCTD.

Giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, theo dự thảo Thông tư, khách hàng không được sử dụng tiền gửi tiết kiệm để phát hành séc và thực hiện các giao dịch thanh toán. Khách hàng được sử dụng tiền gửi tiết kiệm để làm tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Khi sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm, khách hàng có thể thỏa thuận trường hợp đến hạn mà không trả được nợ thì tiền gửi tiết kiệm của khách hàng được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ đến hạn.

Ngoài ra, khách hàng được thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm theo ủy quyền, thừa kế; được chuyển quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan. TCTD hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch này phù hợp với quy định pháp luật.

Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm; chi trả gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm; quyền và nghĩa vụ của khách hàng, TCTD trên cơ sở kế thừa các quy định tại Quyết định 1160 phù hợp với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật để đảm bảo an toàn giao dịch.

Tiến Vũ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.