Sản xuất nông sản hữu cơ: Tiềm năng lớn nhưng khó khăn trăm bề
Nông sản hữu cơ vẫn khó tiêu thụ |
Nông sản hữu cơ không còn là sản phẩm cho người giàu và xuất khẩu
Theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, nếu nghĩ đến sản xuất nông sản hữu cơ chỉ dùng cho xuất khẩu và người giàu là điều hoàn toàn sai lầm.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phục vụ cho nhu cầu của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh |
Theo khảo sát của Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, chỉ tính riêng TP HCM và Hà Nội, nhu cầu sản phẩm hữu cơ rất lớn trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng một lượng nhỏ. Vì vậy, thị trường trong nước rất rộng mở.
Diện tích nông nghiệp phục vụ cho sản xuất nông sản hữu cơ hiện nay cũng mở rộng nhanh chóng. Nếu ách đây 10 năm, diện tích chỉ khoảng hơn 10.000 ha do các vùng này thuận lợi cho việc khai thác và chưa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hóa học thì đến năm 2015, con số này đã lên hơn 76.000 ha. Sản lượng nông sản hữu cơ cũng tăng 4 lần so với 10 năm trước.
Ông Mịch cho hay, kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy nếu sản phẩm hữu cơ được chứng nhận bởi các cơ quan uy tín, cung luôn không đáp ứng đủ cầu.
Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Chiến, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm cho rằng tiềm năng thị trường nông sản hữu cơ vẫn rất lớn: “Đi đâu chúng ta cũng nghe mọi người nói về câu chuyện thực phẩm hữu cơ, thực phần an toàn. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ đáp ứng 1% nhu cầu thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn dưới 10%. Như vậy, tiềm năng của chúng ta còn 90 - 99%”.
Ông Chiến nói thêm, không chỉ nhận thức về thực phẩm an toàn cho sức khỏe cải thiện mà còn thu nhập của người dân đang có xu hướng tăng: "Lúc này, người ta không còn nghĩ đến chuyện ăn no nữa mà sẽ nghĩ đến chuyện ăn ngon và an toàn với sức khỏe. Điều này góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng nông sản hữu cơ.
Cái khó của người sản xuất nông sản hữu cơ
Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ cho rằng, khâu quản lý của các cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn và khuyến khích thực phẩm sạch còn nhiều hạn chế.
“Trong một môi trường toàn người sản xuất thực phẩm bẩn, chỉ một người sản xuất thực phẩm sạch thì rất khó sống. Cũng giống như trong một lớp học, cả lớp quay cóp, chỉ một người làm bài nghiêm túc thì người đó cũng khó phát triển [..] Những người làm sai không bị phạt, còn những người làm đúng thì cũng không được thưởng”, ông Nghĩa nói.
Ông Chiến cũng cho hay nhiều người tiêu dùng đã mất niềm tin vào thực phẩm sạch do có nhiều vụ bê bối về thực phẩm bẩn. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhiều doanh nghiệp còn nhỏ, chưa chứng minh được với thị trường về sản phẩm của mình.
Khâu sản xuất trong bà con nông dân cũng còn nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng dự án lương nông sản sạch, thực phẩm sạch, cho hay, bà con đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, quá trình đạo tạo, tư vấn để việc sản xuất đạt tiêu chuẩn lại có nhiều rào cản.
Ngoài ra, vấn đề tiếp cận tài chính của bà con còn nhiều hạn chế. Khi bắt tay vào sản xuất nguồn tài nguyên của họ có hạn, chỉ bao gồm có đất và công, nguồn lực về tài chính lại rất ít; trong khi để làm mô hình sản xuất hữu cơ đúng lại rất tốn kém.
“Thực ra hiện nay đã có nghị định và quy định về vấn đề này nhưng thực tế nguồn hỗ trợ thực sự tới tay bà con vẫn còn là khoảng cách”, ông Hải chia sẻ.
Ngay cả đối vối các start-up (công ty khởi nghiệp) trong nông nghiệp hữu cơ cũng “kêu” khó vì vấn đề vay vốn do đây được xem là lĩnh vực nhiều rủi ro do yếu tố thời tiết.
Ông Chiến cho hay: “Hiện tại, chúng tôi không tập trung vào vay vốn vì đây là lĩnh vực rủi ro, chúng tôi chỉ tập trung kêu gọi cổ đông - những người cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cùng công ty”.
Xem thêm |