|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sàn thương mại điện tử xã hội Mio gọi vốn 1 triệu USD, đẩy mạnh thị trường vùng nông thôn

14:26 | 22/05/2021
Chia sẻ
Mục tiêu của Mio là xây dựng một mạng lưới buôn bán nơi người ta có thể bán các sản phẩm cho người thân, bạn bè và xóm giềng.

Mới đây, sàn thương mại điện tử xã hội Mio đã gọi vốn 1 triệu USD vòng hạt giống do Venturra Discovery và Golden Gate Ventures đồng dẫn dắt. Các nhà đầu tư khác cũng tham gia trong vòng này có iSeed SEA, ông Gokul Rajaram (chuyên viên tại app giao đồ ăn DoorDash), cùng hai đồng sáng lập của Meesho là Vidit Aatrey và Sanjeev Barnwal.

Mio ra mắt từ tháng 6/2020. Ông Huỳnh Hữu Trung cùng ba đồng sự khác là Phạm Hoàng An (Scommerce), Lê Anh Tú (cựu chuyên viên DigiPay) và Phạm Phi Long (cựu trưởng phòng vận hàng Uber Việt Nam),  Mục tiêu của Mio là xây dựng một mạng lưới buôn bán nơi người ta có thể bán các sản phẩm cho người thân, bạn bè và xóm giềng.

Từ khoảng năm 2011 đến 2014, ông Huỳnh Hữu Trung  khi đó đang làm việc ở quỹ đầu tư công nghệ đầu tiên ở Việt Nam, IDG Ventures. Với vai trò của mình, ông Huỳnh Hữu Trung đã có cơ hội làm việc với rất nhiều nhà sáng lập nền tảng thương mại điện tử ở khắp đất nước và có một cái nhìn chi tiết hơn về những thử thách họ đang gặp phải.

"Chi phí dành cho quảng bá, thu hút khách hàng cao, giao hàng gặp nhiều thử thách và hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến ở Việt Nam," ông Huỳnh Hữu Trung nói với TechInAsia.

Với kinh nghiệm của mình, ông Huỳnh Hữu Trung nhận thấy các startup thương mại xã hội đã phát triển và có chỗ đứng ở một số thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Thậm chí ban đầu, ông Trung không nghĩ đó là một giải pháp hợp lý ở thị trường Việt Nam trong gian đoạn này. 

Startup 'bán hàng online' Việt Nam được rót vốn 1 triệu USD trong vòng hạt giống để thâm nhập thị trường nông thôn, tỉnh lẻ - Ảnh 1.

Team Mio (Ảnh: Mio)

Mio tập trung bán các sản phẩm đồ tươi như hoa quả, rau và thịt. Theo ông Trung, người tiêu dùng mua những sản phẩm này thường xuyên và điều này sẽ giúp Mio gia tăng số lượng giao dịch.

"Điều này cũng có thể tạo ra thói quen với người dùng và người bán trong giai đoạn đầu," ông Trung giải thích. Ngoài ra, ông còn lấy ví dụ về mô hình tương tự ở Indonesia có tên là Chilibeli, một trong những nguồn cảm hứng của ông Trung.

Theo một báo cáo được RedSeer Consulting thực hiện, ở Việt Nam có đến 88% hàng tiêu dùng nhanh được đưa đến tay người dùng từ những địa điểm giao dịch không có tổ chức như chợ nổi, các cửa hàng nhỏ... 

Bằng việc tập trung vào phân khúc này, Mio sẽ thâm nhập một thị trường chưa được các tay chơi thương mại điện tử dóm ngó tới. Theo ông Trung, khoảng 90% khách hàng của Mio đều chưa từng một lần mua bất kỳ sản phẩm nào trên mạng.

Nhà sáng lập MIo cũng thừa nhận việc phân phối các sản phẩm tươi, thứ có thời gian bảo quản ngắn thực sự là một thử thách với doanh nghiệp.

Trên nền tảng Mio, người bán có thể đưa các sản phẩm của họ lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok và Instagram để truyền thông. Người quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với người bán để mua hàng hoặc thông qua ứng dụng và website của Mio. Sản phẩm sẽ được giao tới vào ngày hôm sau.

Hiện công ty có khoảng 130 nhà bán hàng hoạt động mỗi ngày, họ có thể tạo ra khoảng 20 đơn hàng/ngày. Đa phần đều là phụ nữ và có thể kiếm thêm được khoảng 2 triệu đến 8 triệu đồng thu nhập mỗi tháng.

Mio hiện có duy nhất một trung tâm ở TP Thủ Đức. Tuy nhiên, theo nhà sáng lập, một cuộc thử nghiệm cho thấy mô hình kinh doanh này hoạt động hiệu quả ở các vùng nông thôn nên ông muốn tập trung nhiều hơn vào thị trường kém đô thị hơn.

Ý tưởng về Mio tương tự một startup khác của Indonesia có tên gọi là Super. Tháng trước, Super kêu gọi được 28 triệu USD từ Quỹ châu Á của ngân hàng SoftBank. Super không có bất cứ hoạt đồng nào ở thủ đô Jakarta mà chỉ tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Java.

Thùy Trang