Tương ớt, nước chấm, nước tương... của Masan chiếm trên 70% thị phần, rủi ro hình ảnh thương hiệu có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu
Ngành gia vị Mansan nắm khoảng 70% thị phần vẫn tiếp tục tăng trưởng 35%
Năm 2018, Masan Consumer (thuộc Masan Group) đạt doanh thu thuần 17.006 tỉ đồng, tăng trưởng 29%; biên lãi gộp tiếp tục duy trì ở mức cao 45%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 3.397 tỉ đồng, tăng trưởng 51%.
Báo cáo thường niên của công ty cho biết doanh thu từ gia vị, mì ăn liền tăng trưởng lần lượt 35% và 29%; nước tăng lực tăng trưởng 36%. Việc cắt giảm các hoạt động khuyến mãi khiến lợi nhuận trước thuế tăng thêm 3 điểm % lên 22,8% trong năm.
Ngành hàng thực phẩm tiện lợi tăng trưởng sản lượng 23% với giá bán bình quân tăng 6%, công ty cũng tăng cường cho ra mắt các sản phẩm mới như Omachi Cup và khoai tây nghiền Omachi.
Doanh thu thuần ngành hàng đạt 4.636 tỉ đồng, tăng trưởng 29%. Các sản phẩm thương hiệu Omachi tăng trưởng 34%, chiếm khoảng 40% doanh thu toàn ngành. Trong quý IV/2018 công ty cho ra đời sản phẩm mì ly cao cấp Omachi – Business Class.
Theo số liệu cung cấp tại báo cáo thường niên 2017, Masan Consumer nắm 71% thị phần tương ớt, 66% thị phần nước mắm, nước chấm, 67% thị phần nước tương, 21% thị phần mì ăn liền, 35% thị phần cà phê hòa tan...
Năm 2018, ngành hàng gia vị của Masan Consumer tiếp tục tăng trưởng 35% đạt 6.958 tỉ đồng. Các thương hiệu như Chin-su, Nam Ngư tăng trưởng sản lượng 26% trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho ngành gia vị.
Các sản phẩm cao cấp được cho mắt đã kịp đóng góp 10% trên tổng doanh thu, chính những sản phẩm này giúp tăng giá bán bình quân toàn ngành gia vị của công ty tăng thêm 7%.
Ngành hàng cafe của Masan (không tính nhãn hiệu Wake-up 247) đạt doanh thu 1.708 tỉ đồng, tăng 11% do tăng trưởng sản lượng.
Ngành đồ uống đóng chai, ghi nhận thành công ấn tượng của nhãn hàng Wake-up 247 với tốc độ tăng trưởng kép trong giai đoạn 2015 – 2018 đạt 50%. Doanh thu thuần của ngành hàng nước tăng lực tăng trưởng 60% đạt 1.947 tỉ đồng.
Tổng thể ngành đồ uống gồm cả nước đóng chai và nước tăng lực đạt doanh thu thuần 2.789 tỉ đồng, tăng trưởng 36%. Tháng 10/2018, Masan tung ra thị trường sản phẩm nước khoáng đóng chai cao cấp Viviant, được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong phân khúc nước đóng chai tương lai gần.
Doanh thu sản phẩm thịt chế biến của Masan đạt 210 tỉ đồng trong năm 2018, giảm nhẹ 5% chủ yếu do sự chậm trễ trong việc thành lập liên doanh với Jinju Ham (công ty hàng đầu trong chế biến thịt tại Hàn Quốc).
Quý IV/2018, sản phẩm xúc xích Ponnie của liên doanh nói trên ra mắt thị trường, Masan đang đầu tư để xây dựng một dây chuyền sản xuất mới cho ngành này trong năm 2019.
BM tổng hợp
Các sản phẩm mới là động lực tăng trưởng
Năm 2018, đội ngũ của Masan Consumer cho ra mắt hơn 30 sản phẩm mới. Từ mì cao cấp Omachi Business Class, khoai tây nghiền Omachi lần đầu có mặt tại Việt Nam, xúc xích thương hiệu Ponnie 88% thịt hợp tác với thương hiệu hàng đầu Hàn Quốc.
Vinacafe trong năm 2018 cũng ra mắt thương hiệu cà phê rang xay, ngũ cốc B'fast yến mạch, nước khoáng cáo cấp Vivant và nước tăng lực Compact…
Theo báo cáo thường niên 2018, Masan Consumer hiện có 180.000 điểm bán lẻ thực phẩm, 160.000 điểm bán lẻ đồ uống trên toàn quốc. Công ty có trên 300 nhà phân phối và 8 trung tâm phân phối trên toàn quốc.
Masan Consumer đang vận hành tổng cộng 13 nhà máy sản xuất tại các tỉnh, thành chiến lược gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Quốc, Hậu Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Nghệ An, Hải Dương, Quảng Ninh…
Trong năm 2018, công ty đã đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất sốt sệt thứ hai tại nhà máy Bình Dương; công ty cũng đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất sốt tươi công suất 12.000 tấn/năm.
Đẩy mạnh xuất khẩu nhưng sản phẩm theo tiêu chuẩn của từng quốc gia
Năm 2018, Masan Consumer đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Bắc Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Úc và Đông Á… Công ty đã thiết lập hệ thống các nhà phân phối chủ chốt ở thị trường Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada, đẩy mạnh xuất khẩu hai ngành hàng chính là gia vị và cà phê với hai nhãn hàng chủ lực là nước mắm Chin-su và Vinacafe.
Theo Masan, các sản phẩm xuất khẩu đều được nghiên cứu và sản xuất riêng dựa trên khẩu vị và yêu cầu nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nước sở tại. Ở Trung Quốc, công ty khai thác tiềm năng của cà phê hòa tan với hai thương hiệu chủ lực Vinacafe và Wake-Up Cafe.
Rủi ro hình ảnh thương hiệu có thể ảnh hưởng mạnh đến doanh thu
Trong năm 2019, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khoảng 20% đến 30% nhờ chiến lược tăng giá trị của các ngành hàng chính và tăng cơ hội từ các ngành hàng trụ cột mới.
Trong báo cáo thường niên của mình, Masan Consumer cũng lưu ý đến những rủi ro có thể gặp phải trong tương lai như hình ảnh thương hiệu. Công ty cho biết những sự kiện không mong muốn có thể tác động trực tiếp đến hình ảnh công ty như đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Hình ảnh thương hiệu có thể ảnh hưởng lớn đến doanh số, công ty có thể bị lỗ do doanh thu giảm và các chi phí khác nhằm củng cố lại thương hiệu.
Masan bị ảnh hưởng hình ảnh nặng sau những sự kiện như " tiêu chuẩn nước mắm" hay "tương ớt Nhật Bản"
Công ty cũng tính đến khả năng không thành công trong các sản phẩm mới trong khi các chi phí nghiên cứu phát triển đã chi ra; sự mở rộng vào thị trường trên bán đảo Đông Dương, và đặc biệt là Thái Lan thông qua đối tác Singha cũng không chắc chắn thành công. Ngoài ra công ty cũng chú ý đến các rủi ro về nguồn cung nguyên vật liệu, cạnh tranh các đại lý và rủi ro biến động nhân viên…
Theo chủ tịch Masan Group – ông Nguyễn Đăng Quang mục tiêu của Masan Consumer là trở thành công ty sáng tạo số một trong lĩnh vực hàng tiêu dùng; 50% doanh thu thuần đến từ các thương hiệu và sản phẩm mới giúp tăng trưởng cao. Doanh thu của Masan Consumer dự kiến 2 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế đạt 400 triệu USD vào năm 2022.