Chủ tịch Masan và tham vọng doanh thu 5 tỉ USD
Tham vọng doanh thu 5 tỉ USD của Masan năm 2022
Năm 2022, CTCP Masan đặt mục tiêu đạt doanh thu 5 tỉ USD với biên lợi nhuận từ 12 – 15%.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan
Trong báo cáo thường niên 2018, Chủ tịch Masan – ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định "Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỉ đô và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Masan được thành lập để trở thành niềm tự hào của người Việt Nam bằng việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt".
Theo vị chủ tịch Masan, nhu cầu của người Việt lớn, nhưng chưa được thỏa mãn. Người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm và đòi hỏi các mặt hàng cao cấp, chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu.
Tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ đạt con số 50 triệu người vào năm 2022, cùng với đó các sản phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe sẽ được đón nhận mạnh mẽ.
Việt Nam đang trong giai đoạn kỹ thuật số hóa mạnh mẽ: sự thâm nhập ngày càng tăng của internet và điện thoại thông minh và chào đón Thế hệ Z. Kết quả là mặt bằng chung của ngành bán lẻ Việt Nam sẽ chuyển đổi từ các doanh nghiệp có cửa hàng hiện hữu sang mô hình phân phối đa kênh.
Theo ông Quang, Việt Nam đang một lần nữa tiến vào giai đoạn "khởi nghiệp" ngành hàng tiêu dùng và Masan nói riêng sẽ có dịp chứng kiến những đổi thay nhất định của cấu trúc tiêu dùng của người tiêu dùng.
Ngành thịt an toàn của Masan được kỳ vọng thành công như nước mắm
Masan Consumer với mục tiêu trở thành công ty sáng tạo số một trong lĩnh vực hàng tiêu dùng; 50% doanh thu thuần đến từ các thương hiệu và sản phẩm mới giúp tăng trưởng cao. Doanh thu của Masan Consumer dự kiến 2 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế đạt 400 triệu USD vào năm 2022.
Theo ông Quang, trong 5 năm tới, ngành thịt sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người tiêu dùng. Masan đã đầu tư đón đầu nhằm thiết lập tiêu chuẩn mới cho người tiêu dùng, với công nghệ thịt mát của Châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm ngon và an toàn.
Áp dụng kinh nghiệm từ ngành hàng nước mắm, theo chủ tịch Masan, tỷ lệ người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm thịt an toàn được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh – giống như trường hợp sau khi Masan thâm nhập thị trường nước mắm nội địa, chỉ trong vòng 3 năm có 90% người tiêu dùng đã đổi sang các loại nước mắm an toàn cho sức khỏe, ngon và có thương hiệu.
Ông Quang tin rằng Masan có những sản phẩm có thể thay đổi thị trường và mô hình phân phối độc đáo để mang lại cho người tiêu dùng giá trị vượt trội tương tự như trường hợp của ngành hàng nước mắm.
Mảng thịt được Masan kỳ vọng nắm 10% thị phần
Mục tiêu của Masan Nutri – Science đến năm 2022 là chiếm 10% thị phần thịt heo toàn quốc giá trị 10,2 tỉ USD; xây dựng mạng lưới phân phối thịt lớn nhất toàn quốc bằng việc kết hợp giữa chuỗi cung ứng cửa hàng bán lẻ và kênh siêu thị, chợ truyền thống.
Doanh doanh thu dự kiến đạt 2 tỉ USD, đóng góp 50% từ các sản phẩm thịt có thương hiệu, lợi nhuận từ 200 – 250 triệu USD.
Ông Quang cho rằng, việc sở hữu một chuỗi giá trị tích hợp sẽ giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và các biến động bất ngờ. Hơn nữa, ngành hàng cám có thể mạng lại tăng trưởng lợi nhuận từ 10 – 15% trong trung hạn.
Xuất phát điểm của Masan Nutri – Science là cung cấp giải pháp hiệu suất chăn nuôi cho người nông dân, nhưng đích đến sẽ hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu thịt ngon và sạch cho người tiêu dùng. Masan Nutri – Science là công ty hàng tiêu dùng, kết quả tài chính sẽ được thể hiện vào năm 2022.
Từ nhà sản xuất APT cho đến nhà cung cấp giải pháp về vonfram cho các công ty công nghệ
Masan Resources đang là nhà sản xuất APT (một loại hóa chất công nghiệp Vonfram) lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, tuy vậy công ty đang muốn chuyển đổi từ nhà sản xuất APT thành nhà cung cấp giải pháp về vonfram cho các công ty đầu ngành như Apple, Samsung, Tesla…
Ông Quang cho biết, Masan Resources không thể tự mình làm được điều đó, mà có thể tìm kiếm đối tác chiến lược.
Mục tiêu hướng đến vào năm 2022 là tăng thị phần APT từ 36% lên trên 50% bằng việc tăng công suất chế biến của nhà máy hóa chất vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2019. Tăng chế biến tinh quặng vonfram nhằm đảm bảo nguồn cung và tham gia vào ngành sản xuất vật liệu công nghệ cao toàn cầu từ 2020.
TechcomBank tiếp tục tăng trưởng nhờ doanh thu từ phí
Ngân hàng Techcombank giữ vị trí số một trong nhóm khách hàng trung lưu với 35% thị phần, nhưng nhóm này chỉ chiếm 0,26% dân số. Ở nước ta có 70% dân số là nhóm khách hàng phổ thông, trong đó 90% trong số này chưa tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển công nghệ, mở rộng danh mục sản phẩm và các kênh và chiến lược gắn kết khách hàng nhằm cung cấp cho phân khúc khách hàng phổ thông sản phẩm phục vụ đời sống tài chính độc đáo và hiện đại. Chỉ có một mô hình dịch vụ khác biệt và đáp ứng đúng nhu cầu mới có thể thành công khi có sự chênh lệch rất lớn giữa khả năng và nhu cầu. Ông Quang tin sự thâm nhập mạnh mẽ vào phân khúc này trong giai đoạn 2019 và 2020.
Bằng việc đặt trọng tâm vào đời sống tài chính của khách hàng hơn là chỉ triển khai các dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu, chủ tịch Masan kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng doanh thu bền vững nhờ vào thu nhập từ phí (hiện nay chiếm 21% tổng thu nhập hoạt động và sẽ nâng lên khoảng 40% đến 50%), tỷ lệ ROAE dẫn đầu ngành với hơn 20% và đạt lượng khách hàng bán lẻ ít nhất 15 triệu người.
Xây dựng hệ sinh thái Masan
Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng: triển khai cửa hàng một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ.
Do đó, Masan sẽ triển khai hệ thống bán hàng trực tuyến hay là xây dựng cửa hàng? Để có thể có được hệ sinh thái có quy mô và có được lợi nhuận thì công ty phải kết hợp cả hai.
Theo ông Quang, Masan sẽ hợp tác với 300.000 cửa hàng truyền thống để thử nghiệm ý tưởng hệ sinh thái này. Việc này giúp công ty không phải đầu tư nhiều để xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ và đôi bên cùng chia sẻ lợi ích (win - win).
Mấu chốt là ta phải lựa chọn những danh mục sản phẩm phù hợp để sử dụng hàng ngày, áp dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng, và quan trọng nhất là người tiêu dùng có thêm được khoản tiết kiệm khi mua hàng tại hệ thống của Masan, ông Quang cho biết.
Năm 2018, Masan đạt doanh thu thuần 38.188 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông 4.916 tỉ đồng; trong năm nay, công ty dự kiến kết quả doanh thu từ 45.000 - 50.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông từ 5.000 - 5.500 tỉ đồng.