|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng tôm của Việt Nam và nhiều nước khác có thể giảm trong những tháng tới?

11:55 | 10/11/2022
Chia sẻ
Với những yếu tố không chắc chắn trong thời gian tới, một số chuyên gia trong ngành cho rằng các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan có thể giảm sản lượng cho đến khi lượng hàng dư thừa được giải quyết.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ giảm sút

Trong tháng 9, Mỹ nhập khẩu 65.322 tấn tôm, trị giá 595 triệu USD, giảm 12% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trang Undercurrent News trích dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). 

Đồng thời, đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ giảm. Hồi tháng 8, Mỹ nhập khẩu 71.666 tấn tôm, trị giá 665 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Khối lượng và giá trị nhập khẩu trong tháng 9 cũng thấp hơn lần lượt 9% và 11% so với con số của tháng 8. 

Giá tôm nhập khẩu trung bình trong tháng 9 khoảng 9,11 USD/kg, giảm từ mức 9,22 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. 

Dữ liệu mới nhất dường như cho thấy xu hướng sụt giảm vẫn đang tiếp diễn do ảnh hưởng bởi dư cung. Ông Jim Gulkin, CEO đồng thời là nhà sáng lập của Canadian Group, cho rằng nếu mùa lễ hội cuối năm nay không tạo ra cú bùng nổ doanh số cho ngành tôm thì mặt hàng này trong thời gian tới sẽ còn trải qua những đợt suy giảm sâu hơn nữa. 

“Chúng ta cần theo dõi mức tiêu thụ như nào và lượng hàng tồn kho bán lẻ có được xử lý hết không?”, ông Gulkin nói. 

Vị này cho biết người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu khi giá khí đốt đắt đỏ. Đồng thời, còn nhiều yếu tố bất định khác cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ tôm.

Dự báo sản lượng tôm sẽ giảm

Với những yếu tố không chắc chắn trong thời gian tới, ông Gulkin cho rằng các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan có thể giảm sản lượng cho đến khi lượng hàng dư thừa được giải quyết. 

Sản lượng tôm của Ấn Độ trong tháng 9 đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 27.395 tấn. Giá trị xuất khẩu cũng giảm 19% xuống 240 triệu USD. Giá tôm trung bình quanh mức 8,73 USD/kg, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Gulkin cho rằng sản lượng của Ấn Độ có thể tiếp tục giảm do chịu áp lực dư cung ở một số số thị trường tiêu thụ chính, trong đó có Trung Quốc. 

“Doanh số bán hàng của Ấn Độ sang thị trường Trung Quốc đang chững lại và lượng hàng tồn đọng của các nhà nhập khẩu còn đang lớn. Trung Quốc đã ngừng nhận các lô hàng từ Ấn Độ ngay cả với các hợp đồng đã được xác nhận trước đó. Kể cả những lô hàng đã được chuyển đi, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ từ chối nhận hàng trừ khi Ấn Độ giảm sâu giá bán”.

Ngoài ra, Ấn Độ còn đang phải đối mặt với chi phía nuôi ngày một tăng trong khi giá bán giảm. 

Ngoài Ấn Độ, lượng hàng Mỹ nhập khẩu từ các nước khác trong tháng 9 cũng giảm sâu như Việt Nam (-31%), Thái Lan (-12%), Argentina (-11%) và Indonesia (-9%). 

Theo ông Gulkin, những quốc gia này có thể giảm sản lượng những tháng tới. Riêng Thái Lan, dư địa để giảm thêm sản lượng không còn nhiều vì hiện đang ở mức quá thấp. 

Ecuador là quốc gia duy nhất ghi nhận xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng

Ecuador thường đứng vị trí thứ 2 hoặc 3 trong top những quốc gia cung cấp tôm cho Mỹ xét về khối lượng. Tuy nhiên, Ecuador đang dần thu hẹp khoảng cách với Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất sang Mỹ.

Ecuador là nhà cung cấp duy nhất ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9, với 15.162 tấn tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với tháng 8, con số này này thấp hơn 9%. 

“Ấn Độ cần tìm cách để giải quyết các vấn đề nuôi tôm còn tồn đọng. Ecuador đang rất thành công trong vài năm trở lại đây vì năng suất cao, ít dịch bệnh và rất hiệu quả. Còn Ấn Độ đang gặp vấn đề lớn về dịch bệnh và nhiều tồn đọng khác. Ngoài ra, các công ty tại Ấn Độ còn khá manh mún, nhỏ, trong khi ở Ecuador phần lớn tập trung vào các công ty lớn”, ông Gulkin nói. 

Sản lượng tôm của Ecuador trong năm 2025 được dự báo có thể tăng gấp đôi so với 2021 lên khoảng 2 triệu tấn. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng sản lượng từ 1,01 triệu tấn năm 2021 lên 1,35 triệu tấn trong năm 2022. 

 

H.Mĩ