Sản lượng khí đốt tự nhiên của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào năm 2025
Tại Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và Thách thức, TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết nhu cầu sử dụng khí đốt đang có xu hướng tăng lên. Ngoài việc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, khí đốt được sử dụng ở các lĩnh vực khác cũng đang tăng.
Tuy nhiên, việc khai thác khí đốt trong nước đang dần bước vào giai đoạn suy giảm. Năm 2023, sản lượng khí đốt khai thác đạt 11 tỷ mét khối, gần như không đổi so với 2022. Dự báo, sản lượng sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 với 14,6 tỷ mét khối sau đó giảm dần. Đến năm 2035, sản lượng sẽ chỉ còn bằng mức tương đương năm 2020. Khí tự nhiên cung cấp cho các nhà máy điện hiện hành đang bắt đầu thiếu và phải nhập khẩu từ Indonesia.
Trong khi đó, các dự án điện khí được bổ sung ngày càng nhiều theo quy hoạch điện VIII. Một số dự án sử dụng khí tự nhiên trong nước đang phải chuyển đổi dần sang sử dụng khí LNG do lượng khai thác không đủ để cung cấp cho các nhà máy.
“Tuy nhiên, khi chuyển sang sử dụng LNG gặp nhiều khó khăn. Nhưng Việt Nam không thể không nhập vì nguồn cung khí tự nhiên khai thác trong nước không đủ”, ông nói.
Theo đó, các nhà máy sẽ mất thời gian chuyển đổi, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp điện liên tục cho lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, việc nhập khẩu khí LNG không hề đơn giản. Hạ tầng nhập khẩu khí LNG chưa sẵn sàng, đòi hỏi cần có cảng nước sâu, có quy hoạch kho bãi dữ trữ LNG. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống kho chứa đòi hỏi có đầu tư rất lớn và vận hành khó khăn.
Ông Hùng cũng cho rằng cạnh tranh trong nhập khẩu khí LNG thời gian tới cũng sẽ lớn. Nhu khí LNG trên toàn thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine bùng nổ.
Trong khi đó, Việt Nam mới bước chân vào nhập khẩu LNG. Để nhập khẩu LNG quy mô lớn, ổn định là điều rất khó khăn với Việt Nam do thị trường nhập khẩu khu vực Châu Á đã bị chiếm lĩnh bởi Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.
“Với những tình hình khó đoán trong xung đột toàn cầu cùng với những lệnh trừng phạt hướng vào Nga, viễn cảnh đối với những quốc gia đang chập chững nhập khẩu khí LNG như Việt Nam không mấy sáng sủa”, ông Hùng nói.
Do đó, ông cho rằng trong thời gian tới Việt Nam cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể cho vấn đề nhập khẩu LNG là rất cần thiết để có thể hình thành thị trường LNG. Tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu LNG
Ngoài ra, các doanh nghiệp duy trì ổn định khai thác khí nhằm nguồn cung cấp khí ổn định đồng thời nâng cao năng lực khai thác nhằm đảm bảo cung cấp cho các nhà máy điện khí đang họat động.
Các công ty mở rộng các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ để cung cấp thêm trữ lượng và sản lượng khai thác ở các khu vực tiềm năng, sâu và xa bờ nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển công nghiệp khí giai đoạn tới.
Hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giá và cơ chế giá bởi cơ chế bán khí cho các khách hàng chưa hoàn toàn thị trường (ngoại trừ khí bán cho các hộ công nghiệp).
Trong đó, nguồn khí và giá khí bán cho các nhà máy điện vẫn theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với kế hoạch phát triển mỏ khí, bên mua và bên bán chỉ đàm phán các điều khoản thương mại trên cơ sở giá khí và cước phí được phê duyệt, thiếu sự chủ động, cạnh tranh.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, đảm bảo phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện.
Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành chuỗi Khí - Điện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư (IPP) quy mô lớn.