Sản lượng dầu mỏ châu Á-Thái Bình Dương giảm kỷ lục
Giám đốc phân tích Angus Rodger của Wood Mackenzie dự báo sản lượng ở mức 7,5 triệu thùng/ngày của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ giảm hơn 1 triệu thùng/ngày (14%) từ nay cho tới năm 2020.
Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan là những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, kể từ khi giá dầu sụt giảm mạnh vào tháng 7/2014, nền công nghiệp dầu mỏ tại các quốc gia này bị ảnh hưởng và sản lượng giảm trung bình 7%/năm.
Theo ông Rodger, có 2 lý do khiến tốc độ sụt giảm sản lượng tăng trong thời gian tới. Đó là giá dầu thấp và sự cắt giảm mạnh chi phí vốn dùng cho hoạt động thăm dò, khai thác.
Diễn biến giá dầu Brent trong 3 năm qua |
Hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12/2016, Tổ chức các nước Xuất khầu Dầu lửa (OPEC) và một số nhà sản xuất khác, dẫn đầu bởi Nga, đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng đi 1.758.000 thùng/ngày. Từ đó, giá dầu phục hồi mạnh mẽ và tăng 4 tuần liên tiếp.
Vị giám đốc của Wood Mackenzie cho biết sản lượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào các mỏ dầu khổng lồ tại Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng tại các mỏ dầu này đã đạt đỉnh và đang có dấu hiệu sụt giảm.
Hiện nay, đa phần các dự án trong khu vực là khai thác khí gas tự nhiên chứ không phải dầu mỏ. Do đó, ông Rodger dự báo sản lượng sản xuất sẽ tiếp tục thu hẹp. Tới năm 2020, vị chuyên gia này cho rằng các mỏ dầu cũ sẽ không còn hoạt động và thay vào đó là một số ít mỏ dầu hiện nay chưa được phát triển.
Trong hai thập kỷ qua, số lượng giàn khoan mới được tìm thấy là rất khiêm tốn. Không chỉ có vậy, sản lượng còn bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu và chi phí vốn, đặc biệt tại các mỏ dầu cũ. Do đó, ông Rodger cho rằng tốc độ giảm sản lượng sẽ liên tục tăng trong thời gian tới trên toàn khu vực.