Chỉ số tồn kho công nghiệp quí I tăng cao nhất 10 năm
Các số liệu kinh tế Việt Nam quí I/2020 mới đây được Tổng cục thống kê (GSO) công bố cho thấy động lực lớn nhất cho mức tăng trưởng GDP 3,82% đến từ lĩnh vực công nghiệp. Tăng trưởng công nghiệp và xây dựng đạt 5,15%, cao hơn nhiều so với dịch vụ 3,27% và nông nghiệp chỉ 0,08%.
Trong đó, đóng góp tỉ trọng lớn nhất, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, giảm mạnh so với mức tăng 12,35% cùng kì năm ngoái; trong khi khai khoáng giảm tốc 3,18%.
Theo thống kê, nhiều sản phẩm công nghiệp cho thấy mức tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ so với cùng kì. Đáng chú ý là linh kiện điện thoại tăng tới 34,7%; thép thanh, thép góc và xăng dầu tăng hơn 17%; điện thoại di động và vải dệt từ sợi tự nhiên tăng trên 11%; hay các sản phẩm thuộc lĩnh vực năng lượng như than đá tăng 7,9%, điện tăng 7,2%...
Ở chiều ngược lại, sản lượng của nhiều sản phẩm bắt đầu cho thấy tác động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài. Giá dầu giảm sâu khiến việc khai thác các sản phẩm có liên quan như dầu khí, khí đốt tự nhiên giảm 10%; sản lượng đường giảm 17% do các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho; hay như ngành bia chịu hai cú đấm từ Nghị định 100 và COVID-19 khiến sản lượng sụt giảm tới 19%.
Hoạt động sản xuất ô tô trong quí đầu năm cũng giảm hơn 10% do những gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vì COVID-19. Trong diễn biến mới đây, Công ty Ford Việt Nam cho biết phải tạm dừng sản xuất từ ngày 26/3, hay những hoạt động đầu tư mở rộng của Toyota VN hay Mitsubishi VN đều bị đình trệ.
Chia sẻ với báo giới, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, dù việc nhập khẩu vật tư linh kiện là đầu vào cho sản xuất hiện vẫn tạm thời được duy trì, nhưng thời gian tới, ngành công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do nhiều nước đã thực hiện biện pháp phong tỏa.
Một yếu tố đáng chú ý trong thống kê hoạt động sản xuất công nghiệp quí I là chỉ số tồn kho tại thời điểm cuối kì tăng tới 24,9%, mức cao nhất kể từ năm 2010, liệu đây có phải điều phản ánh sức tiêu thụ hàng hóa đang gặp khó khăn?
Các lĩnh vực chứng kiến mức tăng chỉ số tồn kho mạnh nhất gồm có sản xuất xe có động cơ, tăng 122,5%; sản xuất kim loại, than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng từ 45 - 50%; sản phẩm dệt tăng 36%; trang phục, đồ uống và chế biến thực phẩm tăng từ 20 - 30%.