|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sàn giao dịch bitcoin đầu tiên của Trung Quốc dừng kinh doanh tiền mã hóa

14:31 | 25/06/2021
Chia sẻ
Có thời điểm sàn giao dịch BTCChina chiếm tới 70% thị phần giao dịch tiền mã hóa tại Trung Quốc.

BTCChina, sàn giao dịch bitcoin đầu tiên ở Trung Quốc, cho biết công ty này đã dừng mảng kinh doanh bitcoin trong bối cảnh Bắc Kinh đang có nhiều động thái thắt chặt hoạt động đào bitcoin tại quốc gia tỷ dân, theo SCMP.

BTCChina xác nhận rằng "đã hoàn toàn rút khỏi các mảng kinh doanh liên quan đến bitcoin" và đã bán cổ phần của sàn giao dịch bitcoin có trụ sở tại Singapore ZG.com cho một tổ chức giấu tên ở Dubai vào tháng 5/2020.

Sàn giao dịch bitcoin đầu tiên của Trung Quốc dừng kinh doanh tiền mã hóa - Ảnh 1.

Nhân viên BTCChina tại văn phòng ở Thượng Hải. Sàn giao dịch BTCC được bán cho một quỹ đầu tư Hong Kong và BTCChina hiện xác nhận đã dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh liên quan đến bitcoin. (Ảnh: SCMP)

BTCChina được thành lập vào năm 2011 bởi Huang Xiaoyu và Yang Linke. Đây là bộ đôi đã thúc đẩy ý tưởng về bitcoin đến các nhà đầu tư Trung Quốc khi nó vẫn chỉ là một khái niệm xa lạ đối với hầu hết mọi người ở quốc gia này. BTCChina từng chiếm tỷ trọng 80% trong tổng giao dịch đầu tư bitcoin trên toàn cầu. Dù vậy, BTCChina nhiều lần chịu ảnh hưởng từ các quyết địn của chính phủ Trung Quốc. Năm 2017, công ty từng nói dừng giao dịch tiền mã hóa sau khi bị chính phủ cấm vào thời điểm đó.

Trong thông báo mới nhất, BTCChina nói rằng quyết định rút khỏi mảng kinh doanh bitcoin là kết quả của chính sách từ chính phủ Trung Quốc.

Bắc Kinh coi tiền mã hóa là một mối đe dọa đến ổn định tài chính khi cho phép các nhà đầu tư vượt qua vòng kiểm soát vốn chặt chẽ của nhà nước. Bên cạnh đó, chính phủ cũng quan ngại về mức độ biến động giá quá lớn của đồng tiền này. Lệnh thắt chặt tại Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh giá bitcoin tăng khoảng 7 lần trong một năm qua và sau đó giảm tới 40% chỉ trong 1 tháng.

Chính quyền địa phương nhiều khu vực ở Trung Quốc, bao gồm nơi nhiều mỏ đào bitcoin tập trung như Tân Cương, Nội Mông và Tứ Xuyên, đã yêu cầu các thợ đào bitcoin dừng hoạt động. Không ít trong số này đã sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc.

Trong những đợt bùng nổ bitcoin trước đó, Yang đã trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp này ở Trung Quốc.

Yang từng là chủ của nhiều cửa hàng mát-xa trước khi khởi động dự án BTCChina. Ông hạnh phúc với tài sản mình có được từ tiền mã hóa đến mức ông đã quyên góp tiền để xây dựng một cây cầu đá ở ngôi làng nơi anh sinh ra và lớn tại ngoại ô Ôn Châu, Chiết Giang. Phần lan can của cây cầu này được với lời giới thiệu về các loại tiền điện tử khác nhau, theo The Paper.

Lệnh thắt chặt giao dịch của Trung Quốc đang khiến nhiều sàn giao dịch rục rịch chuyển ra nước ngoài. Các sàn giao dịch nổi tiếng như Huobi, Binance và Okcoin đều có ít nhất một số người sáng lập người Trung Quốc song đều đang hoạt động ở nước ngoài.

BTCChina bán mảng vận hành sàn giao dịch của mình vào tháng 1/2018 và tiếp tục hoạt động như bình thường với các nhà đầu tư tiền số dưới tên gọi BTCC. Tuy nhiên, BTCC không cung cấp dịch vụ cho các địa chỉ IP từ Trung Quốc.

Việc BTCC tiếp tục hoạt động làm dấy lên tin đồn rằng ông Yang vẫn kiểm soát sàn giao dịch này. BTCC phủ nhận tin đồn trong khi đó BTCChina cũng xác nhận không có mối liên quan nào với BTCC.

Hồi tuần này, BTCC phát đi thông báo trấn an các nhà đầu tư rằng sàn giao dịch không bị ảnh hưởng vì lệnh cấm tiền mã hóa tại Trung Quốc đại lục.

"BTCC không bị ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại vì BTCC không cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa mà là dịch vụ phát sinh tiền mã hóa", công ty nói.

Về phần mình, BTCChina đang chuyển hướng tập trung sang các ứng dụng khác của blockchain. Đây là lĩnh vực được chính phủ Trung Quốc ủng hộ trong bối cảnh theo đuổi một "hệ thống blockchain công nghiệp tiên tiến". Blockchain là nền tảng công nghệ vận hành các đồng tiền mã hóa như bitcoin.

Nam Khánh