|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hai anh em biến mất cùng 3,6 tỷ USD bitcoin: Vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất lịch sử?

13:57 | 24/06/2021
Chia sẻ
Hai anh em thành lập nền tảng tiền mã hóa Africrypt ở Nam Phi đã mất tích cùng với 3,6 tỷ USD bitcoin của khách hàng. Luật sư được nhà đầu tư thuê đã báo cáo vụ việc với cảnh sát.
Hai anh em biến mất cùng 3,6 tỷ USD bitcoin: Vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất lịch sử? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Một cặp anh em người Nam Phi đã biến mất cùng với số bitcoin trị giá 3,6 tỷ USD từ nền tảng đầu tư tiền mã hóa của họ.

Hãng luật Hanekom Attorneys tại thành phố Cape Town, Nam Phi được thuê bởi các nhà đầu tư cho biết họ đã báo cáo vụ việc lên Hawks, đơn vị tinh nhuệ của lực lượng cảnh sát nước này. Luật sư cũng báo thông tin cho các sàn giao dịch tiền mã hóa khắp thế giới để phát hiện giao dịch khả nghi.

Sự "bốc hơi" của 69.000 bitcoin – đáng giá hơn 4 tỷ USD tính theo đỉnh hồi tháng 4 – sẽ là tổn thất lớn nhất từ trước đến nay trong một vụ lừa đảo tiền mã hóa. Vụ việc này có thể thúc đẩy nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm áp đặt trật tự trên thị trường tiền mã hóa trong bối cảnh các phi vụ phạm pháp gia tăng.

Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào tháng 4, khi bitcoin tăng vọt lên mức giá kỷ lục. Lúc đó CEO Ameer Cajee của Africrypt (người anh trai) đã báo với khách hàng rằng công ty là nạn nhân của một vụ tấn công mạng. Ông Cajee kêu gọi khách hàng không thông báo sự vụ với luật sư và chính quyền vì làm vậy sẽ khiến quá trình truy tìm số bitcoin bị mất trở nên chậm trễ. 

Luật sư vào cuộc

Một số nhà đầu tư ngờ vực đã thuê hãng luật Hanekom Attorneys, trong khi nhóm khác đã bắt đầu thủ tục thanh lý tài sản của Africrypt.

Email Hanekom Attorneys gửi đến Bloomberg viết: "Chúng tôi ngay lập tức nghi ngờ khi thông báo của Africrypt kêu gọi các nhà đầu tư không thực hiện hành động pháp lý. Các nhân viên Africrypt đã mất quyền truy cập vào nền tảng back-end 7 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công theo như công ty nói".

Cuộc điều tra của hãng luật phát hiện rằng bitcoin của Africrypt đã bị rút khỏi tài khoản Nam Phi của công ty và ví tiền mã hóa của khách hàng, sau đó được đưa vào dịch vụ trộn bitcoin (mixer) để chúng không thể bị truy vết.

Các cuộc điện thoại đến số của CEO Cajee ngay lập tức được chuyển đến hòm thư thoại. Ông Cajee và em trai Raees 20 tuổi thành lập Africrypt vào năm 2019, mang đến lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Các cuộc điện thoại đến anh Raees cũng được chuyển thẳng đến hòm thư thoại. Trang web của công ty không hoạt động.

Nam Phi cũng là nơi diễn ra cú sụp đổ của công ty Mirror Trading International – được xếp hạng là vụ lừa đảo tiền mã hóa lớn nhất năm 2020. Tổn thất từ vụ việc này vào khoảng 1,2 tỷ USD. Nhà đầu tư của Africrypt có thể mất trắng số tiền lớn gấp ba là 3,6 tỷ USD, Bloomberg cho biết.

Ông Brandon Topham, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Ngành Tài chính của Nam Phi cho biết tuy cơ quan này đang xem xét Africrypt nhưng không được phép tiến hành điều tra chính thức. Nguyên do là tài sản tiền mã hóa không được coi là sản phẩm tài chính hợp pháp. 

Gần đây Trung Quốc đã tăng cường trấn áp giao dịch tiền mã hóa do chính phủ lo ngại chúng sẽ trở thành công cụ đắc lực cho bọn tội phạm.

Hồi tháng 1, giá trị giao dịch hàng ngày của tài sản tiền điện tử tại Nam Phi lần đầu tiên vượt quá 2 tỷ rand (141 triệu USD), cho thấy sự hấp dẫn lớn lao của một thị trường hầu như không bị giám sát.

Giang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.