|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao tội phạm mạng có thể đe dọa tương lai bitcoin?

08:39 | 20/06/2021
Chia sẻ
Trong thế giới tội phạm mạng, tiền ảo ngày càng trở thành một công cụ đắc lực. Chính điều này đã đặt các đồng tiền như bitcoin vào tầm ngắm của nhiều cơ quan quản lý và thực thi pháp luật quốc tế.

46% giao dịch bitcoin dính dáng đến hành vi phi pháp

Không lâu sau khi bitcoin ra mắt vào năm 2009, kẻ gian đã nhận ra sức hấp dẫn của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới. Đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật ngày càng thành thạo trong việc theo dõi các giao dịch bitcoin và tịch thu tiền ảo bất chính.

Song, khả năng thanh toán mà không cần các cơ quan tài chính trung gian của bitcoin lại chính là mảnh đất màu mỡ cho hành vi buôn bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp trên mạng, thậm chí là rửa tiền.

Trong một báo cáo năm 2019, ba nhà nghiên cứu Sean Foley, Jonathan Karlsen và Tālis Putniņš ước tính rằng 46% giao dịch bitcoin được thực hiện trong giai đoạn 1/2009 - 4/2017 có liên quan đến các hoạt động phi pháp.

Gần đây, một loạt các cuộc tấn công mạng nhắm vào những doanh nghiệp lớn càng khiến công chúng và chính phủ nhiều nước e ngại về vai trò của tiền ảo trong các phi vụ phạm pháp. Trong các vụ tấn công này, tin tặc thường khóa hệ thống và dữ liệu của nạn nhân, sau đó yêu cầu tiền chuộc, thường là bằng bitcoin.

Đầu tháng 5, vụ tấn công vào đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline của Mỹ đã khiến hệ thống phân phối nhiên liệu ở bờ Đông phải tạm dừng hoạt động trong hơn một tuần. Mỹ rơi vào tình cảnh thiếu nhiên liệu từ nam chí bắc.

Đến tháng 6, JBS SA - nhà cung ứng thịt lớn nhất thế giới, trở thành mục tiêu mới nhất của tin tặc. Vụ tấn công làm gián đoạn hai ca làm việc và một trong các nhà máy đóng gói thịt lớn nhất tại Canada cùng một số lò giết mổ tại Australia phải tạm dừng vận hành.

Dễ lọt lưới tội phạm

Các khoản tiền chuộc khổng lồ không phải là rủi ro duy nhất của tấn công mạng. Khi các tổ chức như bệnh viện bị tin tặc tấn công, mạng sống con người có thể bị đe dọa. Chia sẻ với Wall Street Journal, Giám đốc FBI Christopher Wray đã so sánh khó khăn mà các vụ tấn công mạng gây ra với những thách thức của vụ khủng bố 11/9.

Một vấn đề đặt ra với cơ quan điều tra là, ngay cả khi xác định được danh tính của bọn tội phạm đứng sau các vụ tấn công mạng, họ cũng lực bất tòng tâm vì tội phạm có thể sống ở những nước mà Mỹ không có hiệp ước dẫn độ.

Hồi đầu tháng 6, FBI đã thu hồi được 2,3 triệu USD bitcoin trả cho DarkSide, băng nhóm tội phạm mạng đứng sau vụ tấn công làm tê liệt đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline. Tuy nhiên, DarkSide được cho là đang hoạt động ở Nga nên giới chức Mỹ không thể tóm được các thành viên của băng đảng này.

Một điểm khác là các tổ chức không thể dễ dàng tăng cường bảo mật kỹ thuật số đến mức nằm ngoài tầm ngắm của tin tặc. Hệ thống bảo vệ thông tin mà chúng ta đang dựa vào quá phức tạp và có nhiều lỗ hổng, WSJ lưu ý.

Giải pháp nằm ở đâu?

Theo WSJ, gây khó khăn cho bọn tội phạm trong quá trình nhận tiền chuộc và qua đó khiến chúng từ bỏ bitcoin như một lựa chọn thanh toán có thể là giải pháp. Trong đó, cấm thanh toán hoặc giao dịch tiền ảo trên quy mô lớn, tương tự như cách làm của giới chức Trung Quốc, là biện pháp thẳng thừng nhất.

Hoặc, chính phủ các nước trên thế giới có thể làm giảm ảnh hưởng của tiền ảo trong lĩnh vực thương mại, hoặc tăng thuế phí khi giao dịch tiền ảo. Đơn cử như tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đang đề xuất một quy định mới, trong đó yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lên Sở Thuế vụ nếu nhận được từ 10.000 USD bitcoin.

Ngoài ra, chính phủ cũng có thể tăng cường trách nhiệm giám sát. Chẳng hạn, do lo ngại "vấn đề an ninh quốc gia", Bộ Tài chính Mỹ năm ngoái đã đề xuất kiểm tra bổ sung đối với các giao dịch tiền ảo đến những "ví điện tử vô chủ", tức các tài khoản không liên kết với một ngân hàng hoặc định chế tài chính trung gian khác.

Các biện pháp trên có thể làm giảm tính ẩn danh trên thị trường tiền ảo. Hơn nữa, tăng cường quy định, giám sát có thể làm cho các giao dịch tiền ảo trở nên phức tạp hơn, khiến tội phạm mạng bớt dòm ngó đến tiền ảo như một hình thức nhận tiền chuộc.

Khả Nhân