|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bị Trung Quốc xua đuổi, thợ đào bitcoin hướng đến điểm dừng chân tiềm năng tại Texas

08:49 | 16/06/2021
Chia sẻ
Thái độ cứng rắn của chính phủ Trung Quốc đối với tiền ảo đang buộc các thợ đào bitcoin phải tìm nhà mới để "cắm dùi". Kazakhstan, hay Texas (Mỹ) là các điểm dừng chân tiềm năng nhất.

Trung Quốc vốn là nơi tập trung của hơn một nửa số thợ đào bitcoin trên thế giới, nhưng giờ đây Bắc Kinh muốn những người này rời đi càng sớm càng tốt.

Từ tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một cuộc trấn áp đối với hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin, buộc các thợ đào bitcoin phải tìm đến nơi khác. Cuộc di cư lớn đang diễn ra và có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho Texas (Mỹ), CNBC nhận định.

Trung Quốc thống trị mảng khai thác tiền ảo

Theo CNBC, dữ liệu năm 2021 về tỷ lệ phân bố hoạt động đào bitcoin trên toàn cầu vẫn chưa được công khai. Song, các ước tính trước đây chỉ ra rằng khoảng 65 - 75% hoạt động đào bitcoin từng diễn ra ở Trung Quốc, chủ yếu là ở 4 tỉnh hoặc khu vực gồm Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam.

Lĩnh vực thủy điện của Tứ Xuyên và Vân Nam biến hai tỉnh này thành "thánh địa" của năng lượng tái tạo, trong khi Tân Cương và Nội Mông là hai khu vực tập trung nhiều nhà máy điện than của Trung Quốc.

Số lượng thợ đào bitcoin đã bắt đầu sụt giảm ở Nội Mông. Sau khi không hoàn thành các mục tiêu về khí hậu của Bắc Kinh, giới chức lãnh đạo đã quyết định cho thợ đào hai tháng để giải tán vì cho rằng hoạt động khai thác bitcoin khiến Nội Mông không đạt các tiêu chí đề ra.

Bị Trung Quốc xua đuổi, thợ đào bitcoin có thể di cư sang Mỹ - Ảnh 1.

Một trang trại đào bitcoin tại Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Theo ông Nic Carter, đối tác sáng lập của quỹ Castle Island Ventures, dù không biết rõ Trung Quốc sẽ thực hiện các bước kế tiếp như thế nào, nhưng có khả năng là họ sẽ triển khai kế hoạch theo từng giai đoạn. "Có vẻ Bắc Kinh đang đi từ tuyên bố chính sách đến triển khai thực tế trong khoảng thời gian tương đối ngắn", ông Carter nói.

Quy mô của cuộc di cư được xác định theo tỷ lệ băm (hash rate), một thuật ngữ dùng để mô tả khả năng giải thuật toán của thiết bị đào bitcoin. Ông Carter tiếp tục: "Tỷ lệ băm đang giảm, có vẻ trâu cày bitcon đang dần bị xóa sổ trên toàn Trung Quốc".

Dù thông báo của Bắc Kinh chưa được củng cố bằng các chính sách cụ thể, điều đó cũng không thể ngăn những thợ đào bitcoin như ông Alejandro De La Torre cắt lỗ và rời khỏi đất nước tỷ dân.

"Chúng tôi không muốn cứ mỗi năm lại phải đối mặt với một lệnh cấm mới của chính phủ Trung Quốc", ông De La Torre - Phó Chủ tịch của công ty khai thác tiền ảo Poolin (Hong Kong), bày tỏ.

"Do đó, chúng tôi đang cố phân bổ tỷ lệ băm trên toàn thế giới. Đó cũng là lý do chúng tôi chuyển sang Mỹ và Canada", ông De La Torre nhấn mạnh.

Cơ hội cho Texas

Thợ đào bitcoin thường di cư đến các khu vực có nguồn điện rẻ nhất thế giới, vì khi hoạt động trên quy mô lớn, ngành công nghiệp khai thác tiền ảo có biên lợi nhuận khá thấp. Ông Carter cho hay: "Các thợ đào Trung Quốc hoặc từng cắm dùi ở Trung Quốc đang đổ về các khu vực như Trung Á, Đông Âu, Mỹ và Bắc Âu".

Một trong các điểm đến tiềm năng có thể là nước láng giềng của Trung Quốc, Kazakhstan. Các mỏ than của đất nước Nam Á này là nguyên liệu tạo ra một nguồn cung năng lượng dồi dào và giá rẻ.

Hơn nữa, Kazakhstan còn có chính sách tương đối lỏng lẻo đối với lĩnh vực xây dựng. Đây là một dấu hiệu tốt cho các thợ đào bitcoin, những người cần xây dựng các trang trại đào tiền ảo trong thời gian ngắn.

Ông Didar Bekbauov đang điều hành Xive, một công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ cho các thợ đào quốc tế. Xive cũng bán các thiết bị chuyên dụng cần thiết cho hoạt động khai thác bitcoin.

Chia sẻ với CNBC, ông Bekbauov cho biết bản thân đã ngừng đếm số lượng thợ đào bitcoin đến từ Trung Quốc đã gọi điện cho ông để hỏi về các phương án di dời. Quy mô dàn trâu cày của họ dao động từ 15 đến hàng nghìn máy.

"Một thợ đào bitcoin nói với tôi rằng các nhà máy điện của chính phủ Trung Quốc vừa hạn chế cung ứng năng lượng cho họ, chỉ những nhà máy điện tư nhân mới tiếp tục phục vụ các cơ sở đào tiền ảo", ông Bekauov nói.

"Song, hầu hết nguồn cung điện ở Trung Quốc đều do các nhà máy của chính phủ sản xuất, vì thế thợ đào bitcoin phải rời đi. Họ trở nên bất an và phải tuyệt vọng tìm địa điểm mới", ông Bekauov tiếp tục.

Liệu Kazakhstan sẽ trở thành một nơi cư ngụ lâu dài hay chỉ là điểm dừng chân tạm thời trong hành trình di chuyển của thợ đào bitcoin sang phương tây vẫn còn là một câu hỏi mở.

Ông Brandon Arvanaghi, trước đây là kỹ sư bảo mật tại sàn giao dịch tiền ảo Gemini, thì lạc quan hơn về điểm đến Bắc Mỹ hơn. Theo ông này, tỷ lệ băm ở Bắc Mỹ sẽ tăng lên trong vài tháng tới.

Dù từng thiếu điện kéo dài trong mùa đông năm ngoái, Texas lại là khu vực có giá điện thấp bậc nhất thế giới và thị phần năng lượng tái tạo của bang này cũng đang tăng lên theo thời gian. Tính đến năm 2019, điện gió chiếm khoảng 20% trong tổng nguồn cung năng lượng của Texas.

Texas cho phép khách hàng tự lựa chọn giữa các nhà cung ứng điện và quan trọng hơn là, các nhà lãnh đạo chính trị của bang này rất ủng hộ tiền ảo. Đây chính là điều kiện đáng mơ ước của một thợ đào bitcoin.

Ông Arvanaghi dự đoán: "Bạn sẽ chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ trong vài tháng tới. Thống đốc bang Texas Greg Abbott rất hoan nghênh hoạt động khai thác bitcoin. Đào tiền ảo sắp trở thành một ngành công nghiệp thự thụ tại Mỹ".

Wyoming cũng có xu hướng ủng hộ bitcoin và có thể trở thành một địa điểm khai thác đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, ông Arvanaghi cho biết thêm.

Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế lớn khiến Mỹ khó trở thành một trung tâm đào tiền ảo lớn trên toàn cầu. Trước hết, thời gian xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để tiếp nhận các thợ đào có thể là từ 6 đến 9 tháng. "Mỹ không thể nhanh nhẹn như các nước khác...", ông Carter cảnh báo.

Hơn nữa, khâu logistic cũng có thể gặp trở ngại vì ngành vận tải biển đang bị thiếu hụt container nghiêm trọng. Điểm vướng mắc lớn nhất chính là liệu lưới điện của Texas có đảm bảo hay không. 

Cuối năm ngoái, do thời tiết lạnh giá khắc nghiệt mà lưới điện tại Texas ngừng hoạt động, khiến người dân phải sống trong cảnh tăm tối và rét run trong nhiều tuần liền.

Khả Nhân