Mỹ thu hồi 2,3 triệu USD bitcoin từ tin tặc, giá bitcoin cắm đầu
Cuối phiên giao dịch sáng ngày 8/6 (theo giờ Mỹ), giá bitcoin tiếp tục lao dốc xuống dưới mức 32.000 USD/BTC. Sau đó, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới phục hồi nhẹ về mức 32.855 USD/BTC vào lúc 3h01 sáng ngày 9/6 (giờ Việt Nam).
Các đồng tiền ảo nhỏ hơn cũng cắm đầu, trong đó ether có lúc giảm 8% xuống còn 2.499 USD/ETH. Đến 7h45 ngày 9/6 (giờ Việt Nam), giá bitcoin đang dao động quanh ngưỡng 33.034 USD/BTC, theo CoinDesk.
Theo CNBC, nguyên nhân bitcoin giảm mạnh hiện chưa rõ, song vụ việc có thể liên quan đến những lo ngại về tính bảo mật của đồng tiền ảo này sau khi các quan chức Mỹ thu hồi phần lớn số tiền ảo đã trả cho tin tặc trong vụ tấn công hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline tháng trước.
Sau khi chạm đỉnh mọi thời đại gần 65.000 USD/BTC vào giữa tháng 4, giá bitcoin có thời điểm rơi xuống gần 30.000 USD/BTC vào tháng trước. Hiện tại, giá trị của đồng tiền ảo này đã giảm gần 50% so với mức đỉnh mọi thời đại.
Mỹ thu hồi 2,3 triệu USD bitcoin trả cho tin tặc
Hôm 7/6, các quan chức thực thi pháp luật Mỹ tuyên bố họ đã thu giữ 2,3 triệu USD bitcoin trả cho DarkSide, băng nhóm tội phạm mạng đứng sau vụ tấn công làm tê liệt đường ống Colonial Pipeline và làm cho Mỹ thiếu xăng từ nam chí bắc.
Theo MarketWatch, Colonial Pipeline đang cung cấp khoảng 45% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ tại khu vực Bờ Đông. Cuộc tấn công một lần nữa cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ, không lâu sau khi thời tiết lạnh giá làm hỏng hệ thống điện ở vùng Trung Tây nước Mỹ hồi đầu năm nay.
Tài liệu của tòa án cho thấy, FBI có thể truy cập mật khẩu của một trong các ví bitcoin của tin tặc. Trong các vụ tấn công bằng mã độc, tin tặc thường yêu cầu nạn nhân thanh toán bằng bitcoin vì tính ẩn danh của giao dịch tiền ảo.
Decrypt - một trang tin chuyên về tiền ảo, cho biết có một số tin đồn vô căn cứ rằng ví bitcoin của bọn tin tặc đã "bị tấn công", nhưng đây là kịch bản khó có thể xảy ra. DarkSide được cho là đã nhận 90 triệu USD tiền chuộc bằng bitcoin trước khi đóng cửa.
Băng nhóm tội phạm mạng này vận hành một mô hình kinh doanh gọi là "dịch vụ tấn công bằng mã độc". Tin tặc sẽ phát triển và giới thiệu các công cụ mã độc và sau đó bán chúng cho các tổ chức thực hiện tấn công mạng.
Ông John Hultquist, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty an ninh mạng Mandiant Threat Intelligence, gọi thành công của các quan chức Mỹ là một "diễn biến đáng hoan nghênh".
"Rõ ràng là chúng ta cần sử dụng một số công cụ để ngăn chặn làn sóng tấn công mạng và đòi tiền chuộc bằng bitcoin. Ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần mở rộng phương pháp tiếp cận... đối với những tội phạm có thể nằm ngoài tầm ngắm của pháp luật", ông Hultquist nhấn mạnh.
Nguyên nhân khác cho cú lao dốc của bitcoin
Một số vấn đề khác đang đè nặng lên thị trường tiền ảo, bao gồm chính sách kiểm soát của chính phủ các nước và loạt tweet gần đây của CEO Tesla Elon Musk.
Tháng trước, giới chức Trung Quốc kêu gọi siết chặt hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo. Từng là một tay chơi lớn trên thị trường tiền kỹ thuật số, Trung Quốc nay đã chuyển sang trấn áp hành vi đầu tư đầu cơ tiền ảo, cấm phát hành tiền ảo ra công chúng (ICO) và đóng cửa các sàn giao dịch trong nước.
Trong khi đó, từ một người ủng hộ bitcoin, Elon Musk bây giờ dường như không còn yêu mến đồng tiền ảo lớn nhất thế giới như nhiều tháng trước. Hãng xe điện của vị tỷ phú này đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin do lo ngại về tác động đến môi trường của hoạt động đào bitcoin. Động thái này của Tesla từng khiến tiền ảo bị bán tháo ồ ạt.
"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bớt hưng phấn với tiền ảo, vì các cơ quan quản lý đã bắt đầu chiến lược kiểm soát tiền ảo. Dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đang lũng đoạn thị trường", ông Charles Hayter - CEO của công ty cung cấp dữ liệu tiền điện tử CryptoCompare, chia sẻ với CNBC.