|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Samsung có thể chứng kiến lợi nhuận thấp nhất sau 14 năm trong quý I

06:58 | 06/04/2023
Chia sẻ
Việc nhu cầu về chip giảm mạnh khi người tiêu dùng hạn chế mua đồ công nghệ mới đã khiến nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới Samsung gặp khó trong suốt thời gian qua.

Samsung Electronics Co. có thể ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do nhu cầu về công nghệ giảm mạnh đã gây ra việc thua lỗ tại bộ phận bán dẫn của hãng, theo Bloomberg.

Nhà sản xuất chip Hàn Quốc dự kiến ghi nhận mức lợi nhuận hoạt động giảm mạnh khoảng 90% xuống còn 1.450 tỷ won (1,1 tỷ USD), theo ước tính của các nhà phân tích do Bloomberg tổng hợp. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là mức lợi nhuận nhỏ nhất mà Samsung đạt được kể từ năm 2009.

Nhu cầu về chip tăng vọt trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng tăng cường mua máy tính và điện thoại thông minh mới, khiến các nhà sản xuất chip như Samsung phải tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã sụt giảm khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và sau đó tiếp tục sụt giảm sâu hơn do lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng cũng như ảnh hưởng từ các yếu tố khác.

Điều đó đã khiến ngành công nghiệp chip nhớ trị giá 160 tỷ USD gặp phải sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu. Hàng tồn kho tăng đột biến. Giá DRAM và NAND giảm mạnh. Samsung, công ty lớn nhất về chip nhớ, dự kiến sẽ lỗ khoảng 2,7 tỷ USD trong bộ phận bán dẫn.

Lợi nhuận từ hoạt động của Samsung giai đoạn 2019 - 2023. (Nguồn: Bloomberg - Doanh Chính tổng hợp).

Giá DRAM, một loại bộ nhớ dùng để xử lý dữ liệu trong máy tính và điện thoại, đã giảm 20% trong quý đầu năm 2023 và dự kiến sẽ giảm từ 10% đến 15% trong quý II, theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce. Giá chip NAND cũng đã giảm tới 15% trong ba tháng đầu và dự kiến sẽ giảm thêm 5% đến 10% trong quý II.

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố, xuất khẩu chip của Hàn Quốc đã giảm 34,5% trong tháng 3, sau khi giảm hơn 40% trong tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, giảm 33,4% khi nền kinh tế hàng đầu châu Á lao đao trước áp lực xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng.

Sanjay Mehrotra, CEO của hãng chip Micron Technology Inc., tuần trước cho biết ông rất lạc quan về sự phục hồi của thị trường trong năm nay khi lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu phục hồi. T

uy nhiên, bất kỳ sự cải thiện nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các nhà sản xuất chip lớn có cắt giảm sản lượng sản xuất hay không. Ông nói: “Sự phục hồi có thể được đẩy nhanh hơn nếu việc cắt giảm nguồn cung tiếp tục được thực hiện”.

Trong khi Micron, SK Hynix Inc. và Kioxia Holdings Corp. đã cắt giảm chi tiêu đầu tư và cắt giảm sản lượng với hy vọng thoát khỏi những khó khăn, thì nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới Samsung vẫn duy trì nức chi tiêu của chính mình.

Samsung cho biết chiến lược của họ từ trước đến nay là tiếp tục chi tiêu trong thời kỳ suy thoái để tăng vị thế cạnh tranh. Cách tiếp cận này có thể giúp công ty giành thị phần và phát triển các công nghệ mới để đối đầu các đối thủ như Hynix và Micron khi họ không có đủ tiền để theo kịp.

Tại Pyeongtaek, các công nhân của Samsung đang bận rộn xây dựng dây chuyền sản xuất chip khổng lồ thứ 4 của công ty và có kế hoạch bổ sung thêm hai dây chuyền nữa vào cuối thập kỷ này.

Bên cạnh chip nhớ, Samsung đang cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh xưởng sản xuất chất bán dẫn, hiện do Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) thống trị. Samsung đã công bố khoản đầu tư 300.000 tỷ won (229 tỷ USD) khác cho một khuôn viên mới ở Yongin trong hai thập kỷ tới.

Trong khi các nhà đầu tư kêu gọi Samsung đi theo con đường của các đối thủ cạnh tranh và cắt giảm sản lượng, ông lớn Hàn Quốc dường như sẽ không làm như vậy. Vào tháng 2, Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đã nói với các giám đốc điều hành của công ty rằng họ “không nên bối rối” trước những thách thức của ngành và hãy tiếp tục đầu tư vào tương lai.

Doanh Chính