|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Saigontourist khởi kiện một công ty vận chuyển sử dụng nhãn hiệu 'Saigontourist'

15:38 | 22/06/2023
Chia sẻ
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist) đã nộp đơn khởi kiện CTCP vận chuyển Sài Gòn Tourist, buộc công ty này chấm dứt ngay việc sử dụng cụm từ "Sài Gòn Tourist" và nhãn hiệu "Saigontourist" trong tên thương mại, trên toàn bộ các hợp đồng, tài liệu, văn bản, trang tin điện tử và trong mọi giao dịch.

Vừa qua, tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV vừa nộp đơn khởi kiện CTCP vận chuyển Sài Gòn Tourist, theo Zing News.

Cụ thể, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV - Saigontourist (viết tắt Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – tên nước ngoài là Saigontourist Group) là công ty 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM.

Tháng 1/2004, Saigontourist đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền với nhãn hiệu "Saigontourist", màu sắc xanh dương, trắng. Sau nhiều lần gia hạn thời gian sử dụng nhãn hiệu "Saigontourist", đến nay, giấy chứng nhận vẫn có giá trị.

Saigontourist là thương hiệu lớn về du lịch, nhà hàng, khách sạn… nhiều năm liền được công nhận là thương hiệu quốc gia. Từ năm 1999 đến nay Tổng công ty Du lịch Sài Gòn luôn dùng nhãn hiệu Saigontourist trong các hồ sơ, văn bản, hợp đồng, trên các phương tiện truyền thông…

Trong khi đó, CTCP vận chuyển Saigontourist (gọi tắt Công ty vận chuyển) tiền thân là công ty nhà nước trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Năm 2005, công ty này trở thành CTCP với pháp nhân hoàn toàn độc lập và không còn liên quan gì đến Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

Dù vậy, theo Zing News, hiện Công ty vận chuyển vẫn sử dụng nhãn hiệu "Saigontourist" và sử dụng tên thương mại "Sài Gòn Tourist" trong hoạt động kinh doanh khách sạn, du lịch, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển như taxi.

Để bảo vệ nhãn hiệu, Saigontourist đã nhiều lần yêu cầu Công ty vận chuyển chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu "Saigontourist". Phía Công ty vận chuyển cũng cam kết chấm dứt việc này nhưng vẫn chưa thực hiện.

Theo đơn khởi kiện, Saigontourist yêu cầu tòa án buộc Công ty vận chuyển chấm dứt ngay việc sử dụng cụm từ "Sài Gòn Tourist" và nhãn hiệu "Saigontourist" trong tên thương mại, trên toàn bộ các hợp đồng, tài liệu, văn bản, trang tin điện tử và trong mọi giao dịch. Đồng thời, buộc Công ty vận chuyển phải xin lỗi, cải chính trên các báo và thanh toán toàn bộ chi phí thực tế mà Tổng công ty Du lịch Sài Gòn bỏ ra để bảo vệ thương hiệu.

Cũng liên quan tới CTCP vận chuyển Saigontourist, gần đây, Saigontourist taxi thuộc công ty này cũng là một trong hai hãng taxi bị tạm dừng kinh doanh hoạt động vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất do tài xế gian lận, tăng giá cước gấp 10 lần.

Cụ thể, theo báo Thanh Niên, chiều 19.6, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với Đồn Công an Tân Sơn Nhất và lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đã kiểm tra và phát hiện taxi biển số 51F - 49.526 của hãng taxi Saigontourist, do ông Nguyễn Trung Minh điều khiển có 2 công tắc phụ gắn liền với đồng hồ tính tiền, khi được kích hoạt sẽ đẩy giá cước tăng gấp 10 lần.

Bên cạnh đó, taxi biển số 60E - 00.734 của hãng taxi Saigon Cheap (Cheap Taxi) thuộc Công ty CP Tập đoàn Vận tải Sài Gòn cũng bị phát hiện vi phạm lắp đồng hồ tính tiền không đúng quy định.

Tới chiều 21/6, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai họp khẩn đưa ra hình thức xử lý với các đơn vị taxi phi phạm hoạt động tại cảng. Lãnh đạo Cảng Tân Sơn Nhất đánh giá hành vi gian lận của các hãng taxi này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, hình ảnh và thương hiệu của Cảng Tân Sơn Nhất.

Sau khi thống nhất giữa các bên, Cảng Tân Sơn Nhất quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi tại cảng đối với hai đơn vị là Công ty TNHH Vận tải Saigon Taxi và Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist để xử lý các vi phạm liên quan, bắt đầu từ 00 giờ ngày 22/6.

Doanh Chính

NHNN bơm gần 25.000 tỷ qua kênh OMO, lãi suất lên cao nhất trong gần một năm
Ngày 22/5, NHNN đã có động thái nâng lãi suất cho vay qua kênh OMO lên 4,5%/năm. Đây có thể là động thái tiếp theo của nhà điều hành nhằm đẩy lãi suất thị trường 2, giúp giảm áp lực tỷ giá.