Sai phạm lặp lại ở nhiều quốc gia, TikTok nói gì?
Ngày 5/10, Bộ Thông tin & Truyền thông đã công bố kết quả kiểm tra toàn diện nền tảng TikTok. Đối tượng kiểm tra gồm hai pháp nhân là văn phòng đại diện và công ty TNHH TikTok Việt Nam.
Dù có hai pháp nhân đại diện nhưng kết luận kiểm tra cho biết hai đơn vị này không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp lại là TikTok Singapore.
Đoàn kiểm tra yêu cầu TikTok phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng về danh sách người bán trên TikTok Shop để phục vụ công tác liên quan tới thương mại điện tử và thuế. Nền tảng cần có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa cấm.
Khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, TikTok sẽ phải gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trong 24 giờ.
Kết luận cũng cho thấy TikTok có nhiều vi phạm liên quan tới phát tán nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, chưa có hình thức giám sát đối với người dùng dưới 13 tuổi...
Đây là những vấn đề không hề mới đối với TikTok, từng được phản ánh nhiều và thậm chí có vấn đề đã được mang ra chất vấn CEO TikTok tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3.
Tháng 4, cơ quan Quản lý dữ liệu của Anh đã phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh vì để hơn 1,4 triệu trẻ em dưới 13 tuổi ở nước này sử dụng TikTok mà không có sự đồng ý của cha mẹ hay người giám hộ.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với đại diện TikTok tại Việt Nam về những sai phạm ở nhiều quốc gia thì nhận được câu trả lời như sau:
“Chúng tôi luôn tôn trọng quy định và pháp luật tại nước sở tại và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, và các Bộ ban ngành liên quan để tìm hướng giải quyết cho các ý kiến đóng góp được nhắc đến trong kết quả thanh tra.
Tại TikTok, an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động, sáng kiến nhằm tuyên truyền, giáo dục về an toàn trực tuyến cho cộng đồng, bao gồm các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống gian lận, lừa đảo và thông tin sai lệch trên không gian mạng".
Tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ thương mại điện tử của TikTok tại Indonesia đã buộc phải ngừng hoạt động do quy định mới của chính phủ. Để tiếp tục vận hành nhánh thương mại điện tử của mình, TikTok sẽ phải thành lập một thực thể mới, xin giấy phép từ Bộ Thương mại và tạo một ứng dụng độc lập.
Các quy định mới được chính phủ Indonesia đưa ra sau những lo ngại rằng TikTok Shop có thể đe dọa tới hoạt động kinh doanh của các MSME (doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ) địa phương thông qua các thuật toán và chiến lược bán phá giá.
Tuy vậy, bất chấp lệnh cấm, một số người bán hàng ở Indonesia vẫn tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh qua nền tảng của mình. Do TikTok Shop đã ngưng dịch vụ việc thanh toán trực tiếp đơn hàng trên livestream nên người bán bắt đầu chia sẻ những đường link đến gian hàng của họ trên các sàn khác như Shopee và Tokopedia.
Theo Tech in Asia, Skintific, một trong những thương hiệu bán chạy nhất của TikTok Shop (Indonesia), đã cung cấp cho người dùng những liên kết đến gian hàng Shopee của họ. Mia Setiawan, người tổ chức bán hàng Skintific trên TikTok Shop, nói rằng thương hiệu làm đẹp này vẫn đang tiếp tục bán hàng trực tiếp 24 giờ trên TikTok.
Andre Oktavianus, một người buôn bán quần áo trẻ em, vẫn tiếp tục bán hàng trực tiếp trên TikTok. Người này sử dụng các liên kết đến Lazada và Shopee để trưng bày sản phẩm. Khi được hỏi liệu anh ấy có cân nhắc việc chuyển hoàn toàn sang Instagram hay Shopee Live hay không, anh ấy nói rằng “sẽ không dễ dàng để đạt được số lượng bán hàng tương tự”.
Anh giải thích: “Chúng tôi đã bắt đầu chuyển sang Shopee Live, nhưng vẫn cần xem doanh thu tổng thể. Về Instagram thì nền tảng này không tốt lắm cho hoạt động mua sắm trực tiếp, ít nhất là đối với thương hiệu của chúng tôi".