|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sắc đỏ lan rộng, VN-Index mất gần 25 điểm

15:00 | 01/08/2024
Chia sẻ
Áp lực chốt lời phủ bóng lên hầu hết các nhóm ngành khiến thị trường chỉnh mạnh về cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 24,55 điểm (1,96%) xuống 1.226,96 điểm, HNX-Index giảm 6,13 điểm (2,61%) về 229,23 điểm, UPCoM-Index giảm 1,55 điểm (1,63%) xuống 93,52 điểm. 

Toàn thị trường ghi nhận 750 mã giảm (trong đó có 58 mã giảm sàn), 149 mã tăng và 145 mã đứng giá tham chiếu. Theo quan sát, dòng ngân hàng - nhóm cổ phiếu trụ cột không còn giữ vai trò nâng đỡ thay vào đó là gánh nặng lớn nhất lên thị trường phiên hôm nay. Sắc đỏ của các cổ phiếu vốn hóa lớn MBB, BID, VPB, CTG, ACB đè nặng lên thị trường.

Ở chiều ngược lại, trụ VCB hạ độ cao về cuối phiên với tỷ lệ tăng là 1,7%, tuy nhiên đây vẫn là mã tác động tích cực nhất đến VN-Index với việc giúp VN-Index có thêm gần 2,1 điểm.

Nhóm bất động sản giao dịch tiêu cực trong phiên chiều nay. Trong đó, QCG, TCH, PDR, LDG, … đóng cửa trong sắc xanh sàn. Diễn biến tương tự với DXG, NVL, CII, AGG, CEO, GVR, KBC, HDG, L14, ITA, HTN, VGC, DIG, NLG, DXS mất hơn 4% thị giá.

Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh với 23.950 tỷ đồng, tương đương gần 1,04 tỷ cổ phiếu giao dịch. Trong đó thanh khoản giao dịch trên HOSE đạt gần 21.400 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với phiên trước đó. Liên quan đến giao dịch của nhóm NĐT nước ngoài, họ quay đầu mua ròng nhẹ gần 50 tỷ đồng trên HOSE.

Dòng tiền ngoại chủ yếu giải ngân vào các mã VCB (192 tỷ đồng), VNM (160 tỷ đồng), MWG (110 tỷ đồng), MSN (84 tỷ đồng), …

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,6 điểm (0,45%) về 1.245,91 điểm, HNX-Index giảm 3,65 điểm (1,55%) xuống 231,71 điểm, UPCoM-Index giảm 1,08 điểm (1,13%) về 93,99 điểm.

Tiếp nối đà hồi phục của phiên trước, VN-Index mở cửa xanh hơn 3 điểm. Tâm lý giao dịch hứng khởi cùng nỗ lực dẫn dắt của cổ phiếu trụ giúp chỉ số vượt mốc 1.257 điểm.

Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện với số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng. Cụ thể, trên HOSE, phe bán chiếm ưu thế hoàn toàn với 331 mã giảm, 85 mã tăng và 41 mã giữ giá không đổi. Tương tự, sàn HNX ghi nhận 106 mã giảm/34 mã tăng và 37 mã đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu vốn hóa lớn không còn giữ vai trò trụ đỡ, thay vào đó trở thành tác nhân chính gây áp lực lên thị trường chung. Rổ VN30 ghi nhận 16 mã đỏ/11 mã xanh, 3 mã đứng giá tham chiếu. Bên chiều tăng điểm, ông lớn VCB với mức tăng 2,2% - dẫn đầu rổ VN30, trở thành công thần lớn nhất thị trường với mức đóng góp hơn 2,7 điểm cho VN-Index. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc của BID (+1,4%), SAB (+2%), SSB (+1,8%), PLX (+1,3%), VJC (+12%), … giúp thị trường không giảm quá sâu.

Trong khi đó, GVR giảm 2,6% về 32.150 đồng/cp, từ đó lấy đi 0,8 điểm của VN-Index. Cùng chiều, FPT mất 1,6% thị giá, BCM giảm 3,4%, ….

Top 10 cổ phiếu tác động tích cực/tiêu cực lên VN-Index. (Nguồn: Chứng khoán VNDirect).

Chuyển động nhóm ngân hàng vẫn là nhân tố níu giữ thị trường với một số cổ phiếu duy trì được sắc xanh đến cuối phiên. Nổi bật nhất là NAB tăng 3,3% lên 15.600 đồng/cp, cùng với VCB (+2,2%), SSB (+1,8%), BID (+1,4%), HDB (+0,6%), STB (+0,2%), …

Tại nhóm dầu khí, một số cổ phiếu ngược dòng khởi sắc có thể kể đến như PVD (+1,6%), PVO (+1,4%), PVC (+1,4%), PLX (+1,3%), … Chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn đang làm khó OIL (-2%), PSH (-1,7%), GAS (-0,5%), BSR (-0,4%), TDG (-0,2%), PVS (-0,2%), …

Ở nhóm penny, những cổ phiếu nhỏ có tính đầu cơ cao hồi phục mạnh mẽ trong vài phiên gần đây, với những cái tên như ST8, CRC, RDP có thời điểm chạm giá trần, nhưng đã thu hẹp sắc xanh đáng kể về cuối phiên sáng. Cụ thể, STB và RDP tăng lần lượt 2,6% và 2,5%; trong khi CRC chỉ còn xanh nhẹ 0,1% Chiều ngược lại, bộ đôi TLH và QCG sau khi được giải cứu đầu phiên đã bị bán trở lại và kết phiên sáng trong sắc xanh sàn.

Dòng tiền thận trọng khiến thanh khoản suy giảm trong phiên sáng nay, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 364 triệu đơn vị, tương đương 8.252 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản giảm 7% về 7.211 tỷ đồng.

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giao dịch tích cực sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nếu lạm phát giảm như kỳ vọng, các quan chức có thể thảo luận về việc hạ lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 31/7, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,58% và đóng cửa ở mức 5.522 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,64% lên 17.599 điểm. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 2. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng tăng 99 điểm, tương đương 0,24% và đóng cửa ở mức 40.843 điểm. 

Thu Thảo