Sắc đỏ lan rộng: Dow Jones futures sụt hơn 300 điểm, chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu đà giảm ở châu Á
Nỗi lo suy thoái ở Mỹ
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm trong tối ngày 4/8. Dow Jones futures sụt 0,96%, tương đương 383 điểm. S&P 500 và Nasdaq-100 lần lượt giảm 1,6% và 2,5%.
Phố Wall vừa trải qua một tuần u tối. Chỉ số Nasdaq ghi nhận tuần tiêu cực thứ ba liên tiếp, mất hơn 10% kể từ đỉnh thiết lập vào tháng trước. Chỉ số S&P 500 cũng đi xuống trong ba tuần gần đây, giảm 2% tính riêng trong tuần vừa qua. Chỉ số Dow Jones cũng dứt đà tăng kéo dài 4 tuần, sụt 2%.
Đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ bị khuếch đại trong phiên 2/8 sau khi báo cáo việc làm tháng tháng 7 gây thất vọng, khiến nhà đầu tư sự hãi rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sai lầm khi không hạ lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 7 và nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Giới đầu tư đang theo dõi liệu thị trường có tiếp tục sa sút trong những ngày tới hay không. Ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Wealth, nói với CNBC hôm 2/8: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong giai đoạn điều chỉnh, nhưng xu hướng giá lên của thị trường vẫn còn nguyên vẹn”.
Apple cũng sẽ bị theo dõi sát sao khi thị trường mở cửa vào ngày 5/8. Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett tiết lộ họ đã bán gần một nửa cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone trong quý II.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư đang bàn tán về khả năng Fed cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản (bps) trong năm 2024. Ngày càng nhiều người tin rằng Fed có thể giảm lãi suất 50 bps trong tháng 9.
Ông Brian Rose, nhà kinh tế cấp cao về Mỹ tại bộ phận quản lý tài sản của UBS Group, cho biết: “Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dự báo cuối năm của Fed, còn lạm phát lõi tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân thì đã xuống thấp hơn, chúng tôi tin Fed nên hành động quyết liệt hơn.
Chúng tôi đang điều chỉnh kịch bản cơ sở thành Fed hạ lãi suất 50 bps trong tháng 9 và 25 bps trong mỗi cuộc họp tháng 11 và tháng 12”.
Trước đó, UBS dự kiến Fed sẽ chỉ giảm lãi suất tổng cộng 50 bps trong năm 2024.
Các dữ liệu kinh tế đáng chú ý được công bố vào ngày 5/8 bao gồm PMI dịch vụ tháng 7 do Viện Quản lý Cung ứng Mỹ tổng hợp - thước đo hiệu quả hoạt động của các công ty dịch Mỹ. Dự kiến thước đo này sẽ tăng lên 50,9 điểm từ mức 48,8 điểm trong tháng trước đó.
Các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm manh mối về dự định của Fed đối với lãi suất trong tuần này. Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, sẽ phát biểu tại hội thảo các doanh nhân ở Hawaii - Hawaii Executive Collaborative - sau khi kết thúc giờ giao dịch ngày 5/8.
Chứng khoán châu Á
Tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, cuộc bán tháo bắt đầu vào ngày 2/8 vẫn tiếp diễn. Giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu thương mại quan trọng từ Trung Quốc và Đài Loan trong tuần này, cũng như quyết định của các ngân hàng trung ương Ấn Độ và Australia.
Thị trường Nhật Bản dẫn đầu đà giảm trong khi vực. Chỉ số Nikkei 225 và Topix có lúc rớt 7% trong lúc thị trường biến động dữ dội. Các cổ phiếu lớn như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Marubenia đều lao dốc hơn 10%.
Sau khi giảm gần 20% kể từ đỉnh lịch sử xác lập vào ngày 11/7, Nikkei 225 và Topix đang rất gần với lãnh thổ của thị trường gấu.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 5/8, đồng yen cũng tăng lên mức cao nhất so với USD kể từ tháng 1, đạt mức 145,42 yen đổi 1 USD.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia có lúc giảm 2,3%. Chỉ số Kospi và Kosdaq của Hàn Quốc lần lượt rớt 3,9% và 3,5%. Hợp đồng tương lai chỉ số Hang Seng của Hong Kong đạt 16.901 điểm, thấp hơn mức đóng cửa cuối tuần trước là 16.945,5 điểm.
Trong ngày 5/8, S&P Global sẽ công bố số liệu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của các nước châu Á, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Australia sẽ khởi động cuộc họp chính sách hai ngày từ ngày 5/8. Các nhà kinh tế do Reuters khảo sát dự kiến Australia sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,35%, nhưng thị trường muốn biết liệu các nhà hoạch định chính sách có cân nhắc tăng lãi suất trở lại hay không.