|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rystad Energy: Nhu cầu dầu thô có thể giảm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022

08:31 | 26/04/2022
Chia sẻ
Rystad Energy cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến giảm 1,4 triệu thùng / ngày, xuống dưới mức cao nhất được thiết lập vào năm 2019, và ít nhất là trong năm tới nhu cầu mới phục hồi trở lại.

Trang National News mới đây dẫn nhận định từ công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy rằng xung đột Nga - Ukraine, thiệt hại do COVID-19 gây ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc và lạm phát tăng cao sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô trên toàn cầu, đồng thời có thể làm dịu sức nóng mặt hàng này.

Rystad Energy cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến giảm 1,4 triệu thùng / ngày, xuống dưới mức cao nhất được thiết lập vào năm 2019, và ít nhất là trong năm tới nhu cầu mới phục hồi trở lại.

Dự báo mới về nhu cầu dầu thô của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy mức tiêu thụ trung bình hàng năm của thế giới là 99,7 triệu thùng / ngày, thấp hơn nhiều so với mức cao trước đại dịch là 100,2 triệu thùng / ngày được thiết lập vào năm 2019.

Cơ quan này nhận định: "Đối mặt với điều có thể trở thành cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong hàng chục năm qua, thị trường năng lượng toàn cầu đang ở ‘ngã tư đường’”.

Claudio Galimberti, Phó chủ tịch cấp cao về phân tích của Rystad Energy cho biết, việc Trung Quốc phong toả nhiều thành phố lớn để chống dịch hoặc các vấn đề địa chính trị có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, gây thêm áp lực giảm đối nhu cầu dầu.

Ông Galimberti cho biết: “Nhu cầu giảm là kết quả trực tiếp của tác động của tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại… Mặc dù nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt, nhưng sự sụt giảm nhu cầu có thể giúp giá dầu hạ nhiệt”.

Giá dầu thô vẫn đang giao dịch ở mức cao kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Dầu Brent đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm nay, sau khi giảm từ mức cao nhất trong 14 năm khi gần chạm mức 140 USD / thùng vào tháng 3.

Các nước thành viên OPEC+, dẫn đầu là Arab Saudi và Nga, đang thúc đẩy nguồn cung dầu hàng tháng khi các nền kinh tế toàn cầu trên đà phục hồi sau đại dịch. Nhóm này sẽ bổ sung thêm 432.000 thùng dầu / ngày vào thị trường trong tháng 5.

Ông Galimberti cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang chống chọi với lạm phát gia tăng, việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 sẽ khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thêm nghiêm trọng và ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu dầu thô”.

Hôm thứ Hai (26/4), Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% so với kỳ vọng trước đó là 4,1%. Vào thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,6% trong các năm 2022 và 2023, giảm 0,8 và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.

Các lần sửa đổi dự báo tăng trưởng kinh tế phần lớn phản ánh sức ảnh hưởng lan toả đến toàn cầu của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và các đợt đóng cửa gần đây ở Trung Quốc như một phần của chiến lược zero COVID-19.

Ông Galimberti cho biết: Cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể đi kèm với “sự gia tăng đáng kể giá hàng hóa, đặc biệt là dầu và khí đốt. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn nếu châu Âu quyết định cấm vận nhập khẩu của Nga”.

“Trường hợp tồi tệ nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể đẩy giá dầu Brent lên mức 180 USD / thùng trong quý IV, điều này gây ra cuộc suy thoái kinh tế và nhu cầu dầu bị phá hủy hoàn toàn”, Ông Galimberti nói.

Dù các biện pháp trừng phạt này không nhằm vào thị trường năng lượng, nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết các công ty dầu lớn, các hãng vận tải và nhiều ngân hàng đã “tránh hoạt động kinh doanh với Nga”. Ngoài ra, Mỹ và Anh đã công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ nước này.

Cơ quan này cho rằng không thể đánh giá thấp tác động của khả năng mất nguồn cung dầu từ Nga cho các thị trường toàn cầu.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất, với khoảng 5 triệu thùng/ngày dầu thô chiếm khoảng 12% toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 20% khác đến Trung Quốc.

H.Mĩ