Rủi ro từ nguồn gỗ Campuchia
Phần lớn nguyên liệu gỗ Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp trong nước - Ảnh: TD |
Nguồn cung rủi ro
Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được ký hồi tháng 10, đưa ra những quy định nhằm giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam không chỉ xuất khẩu mà cả tiêu thụ trong nước.
Nhìn ở góc độ chuỗi cung ứng gỗ toàn ngành, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho hay, hiện nay gỗ rừng trồng trong nước đã thỏa mãn được 75% nguồn nguyên liệu gỗ để chế biến và xuất khẩu, gồm sản phẩm đồ gỗ, dăm gỗ, các chi tiết đồ gỗ khác.
“Chúng ta chỉ nhập 25% gỗ nguyên liệu. Nguồn gỗ này có nhiệm vụ làm phong phú nguồn cung, cũng như góp phần làm tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi xuất khẩu”, ông Hạnh nói.
Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ một số nguồn cung có độ rủi ro cao, trong đó có nguồn từ Campuchia, nước có tỷ lệ phá rừng bị đánh giá cao thứ 5 thế giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, độ che phủ rừng của Campuchia, đã giảm mạnh từ 73% vào năm 1990, giảm xuống 57% vào năm 2010.
Theo quan sát của vị Phó chủ tịch Hawa, sau khi Lào cấm xuất khẩu gỗ, nhập khẩu gỗ từ thị trường Campuchia đang có xu hướng tăng trưởng, trong đó có cả gỗ rừng trồng và gỗ tự nhiên.
Thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ thị trường Campuchia sau khi chững lại năm 2016, đã có dấu hiệu tăng nhiệt. Cụ thể, trong năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ thị trường Campuchia đạt khoảng 213 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 18% so với năm 2016.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho hay, chuỗi cung gỗ nguyên liệu từ Campuchia sang Việt Nam là chuỗi cung “phức tạp” và “có độ rủi ro cao”.
Rủi ro cao mà ông Phúc nói ở đây chính là việc Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế kiểm soát hiệu quả gỗ từ Campuchia vào nước ta, chứng từ về nguồn gốc gỗ là do phía Campuchia cấp và rất khó xác thực được tính chính xác của giấy tờ này.
Gỗ Campuchia vận nhập vào Việt Nam chủ yếu thông qua cửa khẩu Lệ Thanh, đang có xu hướng tăng. Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, cho rằng, chưa đủ căn cứ để chứng minh nguồn gốc gỗ Campuchia là hợp pháp nếu dựa vào hồ sơ xuất nhập khẩu gỗ từ phía Campuchia.
Cơ chế giảm rủi ro
Chỉ một phần nhỏ nguyên liệu gỗ được nhập từ Campuchia, nguồn có độ rủi ro cao - Ảnh: Lang Ouch, từ Campuchia |
Nhận thấy được tính rủi ro về nguồn gỗ Campuchia, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 44 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia, có hiệu lực từ 1-1-2019. Thông tư này quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên.
Song, thông tư này chỉ áp dụng đối với hình thức tạm nhập tái xuất. Vì vậy, các sản phẩm gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức thương mại bình thường; hoặc gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam sau đó đưa vào chế biến, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Như vậy, rủi ro nguồn gốc gỗ từ Campuchia vẫn hiện hữu.
Ngành gỗ Việt Nam có được thành công trên thị trường quốc tế như hôm nay không phải từ nguồn cung gỗ Campuchia mà từ nhiều nguồn cung gỗ hợp pháp khác, những nguồn cung sạch từ Mỹ, Canada, Châu Âu.
“Tại sao Việt Nam vẫn phải duy trì nguồn cung gỗ rất nhỏ từ Campuchia, trong khi nguồn gỗ này đang làm hoen ố hình ảnh ngành gỗ Việt Nam?”, ông Tô Xuân Phúc đặt vấn đề.
Cung cấp một góc nhìn từ phía Campuchia, ông Lang Ouch, nhà hoạt động vì môi trường và đã đoạt giải Goldman Environmental Prize vì đóng góp của ông trong việc bảo vệ rừng, cho hay, để VPA/FLEGT thực thi hiệu quả, Chính phủ Việt Nam và Campuchia nên phối hợp để giải quyết vấn đề gỗ nguyên liệu.
Hơn nữa, đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam và Campuchia, cần có sự hỗ trợ từ EU để cùng đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp từ Campuchia sang Việt Nam.
Ngành gỗ đang hướng tới chỉ tiêu tăng xuất khẩu đạt mức 20 tỉ USD vào năm 2025. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, việc ký kết Hiệp định VPA/FLEGT không chỉ nhằm đảm bảo gỗ xuất khẩu từ Việt Nam là hợp pháp mà đây còn là quyết tâm để bảo vệ chính ngành gỗ, ngăn ngừa tệ nạn ăn cắp rừng, phá hoại rừng
Để giải quyết rủi ro từ nguồn gỗ Campuchia, Hawa kiến nghị Chính phủ hai nước cần phối hợp để ngăn chặn không cho tình trạng nhập khẩu gỗ rừng trồng Campuchia vận chuyển sang Việt Nam. “Nước ta chỉ nên khuyến khích nhập tất cả gỗ từ rừng trồng”, ông Hạnh nói.
Trên thực tế, khi tham gia VPA/FLEGT, sản phẩm gỗ của Việt Nam phải đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu của thị trường quốc tế, với yếu tố bắt buộc là sản phẩm này phải hợp pháp từ Việt Nam.
Theo ông Phúc, Việt Nam cần có những biện pháp để phối hợp với phía Campuchia quản lý nguồn gỗ này. “Việt Nam phải có đủ bằng chứng tin cậy về nguồn gốc gỗ hợp pháp, không chỉ là bằng chứng trên giấy tờ, nó phải được kiểm chứng độc lập bởi bên thứ ba”, ông Phúc nói.
Chính phủ Việt Nam cần đề nghị Chính phủ Campuchia nhìn nhận trực tiếp vào vấn đề quản lý nguồn cung gỗ Campuchia xuất sang Việt Nam, vị chuyên gia từ tổ chức Forest Trends khuyến cáo.
Ngoài ra, Chính phủ có thể thành lập nhóm hành động, bao gồm các bộ ngành có liên quan đến tính hợp pháp của gỗ. Dựa trên cơ sở đó, nhóm hành động này sẽ đưa ra những yêu cầu chính thức cho Chính phủ Campuchia và đề nghị Chính phủ Campuchia hợp tác.