|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Rủi ro tham nhũng trong BOT là lớn nhất’

07:18 | 24/08/2017
Chia sẻ
“Nếu BOT được triển khai tốt, chặt chẽ sẽ đem lại lợi ích cho mọi quốc gia. ngược lại, nếu nới lỏng sẽ nảy sinh ra tham nhũng rất lớn và lớn nhất trong các loại tham nhũng...”.
rui ro tham nhung trong bot la lon nhat 30067
(Ảnh minh họa: VnEconomy)

Ngày 23/8, trao đổi về những vấn đề liên quan đến dự án BOT mà Pháp Luật TP HCM đã phản ánh trong thời gian qua, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, khẳng định như trên.

Để ngăn chặn rủi ro, ông Đông cho rằng việc thiết kế xây dựng các đề án, dự án BOT, Nhà nước phải bỏ tiền để làm. Nhà nước phải đứng ra thuê các chuyên gia quốc tế làm mẫu 1-2 cung đường, thậm chí thuê 2-3 đơn vị tư vấn để đảm bảo tính độc lập. Khi tất cả việc trên hoàn thành thì Nhà nước sẽ kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu. Theo đó, ai có năng lực, kinh nghiệm, tiền tươi thóc thật mới được làm.

“Có như thế Nhà nước mới chủ động tính toán chi phí, chủ động với con số lưu lượng xe, cũng như đầu vào, đầu ra của dự án để quyết định mức phí hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp (DN). Chứ để DN làm hết và Nhà nước chỉ đứng ở vị trí thụ động xem xét dễ dẫn đến nguy cơ chi phí đầu vào bị đẩy tăng lên gấp đôi, lưu lượng phương tiện bị hạ xuống thấp, tù mù về đếm xe. Cuối cùng phí BOT bị đẩy lên ở mức cao nhất, thời gian thu kéo dài nhất, có lợi nhất cho DN” - ông Đông nhấn mạnh.

Với các dự án BOT hiện nay, ông Đông cũng thắc mắc tại sao không công khai được chi phí xây dựng BOT và lưu lượng xe đi lại trên tuyến đường, tại sao phải giấu giếm các con số đó trong khi đây là hai con số quyết định đến giá thu phí. “Chừng nào các con số đó chưa được công khai, minh bạch thì xã hội và DN còn ý kiến, bức xúc” - Thứ trưởng Đông nói.

Ông Đông cho biết từ năm 2009, Bộ KH&ĐT đã cảnh báo điều này nhưng cơ quan quản lý không nghe. “Đến bây giờ những gì chúng tôi chứng minh ở thời điểm đó đã bộc lộ ra hết” - ông Đông nhấn mạnh.

Vị thứ trưởng cũng cho hay khi xây dựng các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có những ý kiến liên tục, thậm chí cho đến bây giờ vẫn đưa ra ý kiến để yêu cầu bỏ đấu thầu. “Họ bảo đấu thầu rất mất thời gian. Để tôi chỉ ông này làm thế là chúng ta có đường. Nhưng nếu cứ để tình trạng như thế thì chúng ta sẽ trả giá” - ông Đông nói.

Cần đối thoại trực tiếp với nhau

Một bất cập nữa được Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề cập là khi triển khai dự án BOT, các cơ quan nhà nước thường đề cập đến vấn đề hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân. Thế nhưng thế nào là hài hòa? Nếu hài hòa thì tại sao khi triển khai những dự án đầu tư theo hình thức BOT các cơ quan chức năng lại không công khai, minh bạch? Tại sao không tổ chức đấu thầu các dự án BOT? Không công khai số lượng xe, nguồn vốn đầu tư? Theo ông Đông, để “tù mù” các dự án BOT như hiện nay là không chấp nhận được.

Để giảm những chi phí không hợp lý cho DN và người dân, trong đó có phí BOT, theo ông Đông, các bộ, ngành và các đơn vị liên quan cần đối thoại trực tiếp với nhau. Đặc biệt cần phải công khai hóa các chi phí đầu vào, đầu ra chứ không thể để như hiện nay. “Nếu không bàn và có giải pháp mà quyết liệt thì đầu năm nói, giữa năm nói và cuối năm vẫn như thế. Đầu nhiệm kỳ nói nhưng cuối nhiệm kỳ rồi vẫn như thế” – ông Đông nhấn mạnh.

Viết Long - Văn Kiên