|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

“Rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam trong quá trình hội nhập là rất lớn”

21:12 | 06/10/2016
Chia sẻ
Đó là nhận định của ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends tại buổi hội nghị hỗ trợ ngành bán lẻ, chế biến gỗ xuất khẩu trong hội nhập diễn tại Hà Nội, ngày 6/10.

Trong báo cáo nghiên cứu, ông Phúc cho hay, trong vòng 1 thập kỷ qua (2004-2014), kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng 6 lần. Năm 2015, ngành này đạt mức 6,9 tỷ USD xuất khẩu với giá trị gia tăng tương đối. Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có khoảng 3.900 doanh nghiệp với 340 làng nghề và tạo công ăn việc làm cho khoảng 300.000 lao động.

Theo ông Phúc, hiện nay rủi ro cho ngành gỗ của Việt Nam trong quá trình hội nhập là rất lớn. Ngành gỗ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và triển vọng phát triển lại phụ thuộc vào giá FOB (người bán giao cho người mua qua lan can tàu tại cảng xếp hàng) và CIF (giao hàng tại cảng dỡ hàng).

“Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm gỗ hiện nay tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc cho thấy những đòi hỏi về tính hợ pháp của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có nghĩa rằng các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường sẽ có cơ hội được chấp nhận tại nước này. Ngược lại, các sản phẩm không đáp ứng được sẽ phải đối mặt với các rủi ro. Rủi ro không chỉ đơn thuần là mất thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn liên quan đến các trách nhiệm pháp lý như các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp.

Theo số liệu nghiên cứu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, bình quân hàng năm Mỹ cung cấp cho Việt Nam khoảng gần 500.000 m3 gỗ xẻ, chiếm 20% tổng số nguyên liệu nhập vào Việt Nam. Hiện Mỹ là quốc gia cung cấp nguyên liệu gỗ cho Việt Nam lớn và an toàn nhất về mặt pháp lý.

Ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang đứng trước những thách thức cạnh tranh từ thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: “Nếu phía họ đã đầu tư vào Việt Nam thì sẽ không có một cách nào để có thể hạn chế. Chúng ta cũng nghĩ đến các rào cản kỹ thuật tuy nhiên cũng khó có thể áp dụng hoặc hạn chế được. Thực tế, nếu các doanh nghiệp chân chính có sử dụng nguyên liệu, kỹ thuật, nhân công của Việt Nam và tạo ra giá trị gia tăng ở Việt Nam cao thì có thể hợp tác. Ngược lại, nếu họ vào chỉ để tham gia một công đoạn nào đó để thu lại lợi nhuận thì chúng ta cần phải xem xét”.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng đưa ra nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ để loại bỏ mọi rủi ro đối với ngành sản xuất và chế biến gỗ. Cụ thể, thiết lập cơ chế kiểm tra tính hợp pháp nguồn gốc gỗ theo yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu và phải miễn phí thực hiện cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả và hỗ trợ một phần chi phí cho doanh nghiệp để xây dựng chứng chỉ cam kết chất lượng; khắc phục rủi ro về lao động bằng cách hỗ trợ đào tạo lao động nghề mộc cho các doanh nghiệp…

Hồng Vũ