|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Rau chợ đội lốt VietGAP vào siêu thị: Phải đền bù cho khách hàng nếu sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khoẻ

15:35 | 23/09/2022
Chia sẻ
Sau khi báo chí phản ánh vụ rau "dởm" đội mác VietGAP vào siêu thị, phía các đơn vị kinh doanh đều đã dừng nhập và rút hàng khỏi kệ hàng, một số chuỗi đang liên hệ để đền bù cho khách hàng.

Siêu thị sẽ phải đền bù cho khách hàng nếu nhập hàng kém chất lượng

Trong những ngày gần đây, thông tin một số nhà cung cấp như Trình Nhi, HugoFarm, Đông A mua rau từ chợ đầu mối sau đó gắn nhãn VietGAP và đưa vào nhiều hệ thống phân phối hiện đại như Tiki Ngon, 3Sạch, Bách Hóa Xanh… đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước.

Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết nếu theo quy trình, khi các siêu thị ký hợp đồng với nhà sản xuất thì phải rõ ràng về mặt giấy tờ, định kỳ kiểm tra quy trình sản xuất.

Bà Hậu cho biết thêm rằng hàng thực phẩm vào siêu thị trải qua rất nhiều khâu kiểm tra độc lập, thậm chí một số siêu thị lớn còn lấy mẫu ngẫu nhiên, kiểm tra trong các phòng lab (phòng thí nghiệm). Nhiều các nhà cung cấp than rằng tiêu chuẩn của siêu thị khắt khe, chỉ cần sai sót một chút cũng có thể bị cắt hợp đồng nên việc nông sản, thực phẩm kém chất lượng được vào siêu thị là rất khó.

Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ phân tích nếu vụ việc tuồn rau ở chợ đầu mối vào siêu thị đúng như báo chí phản ánh phân tích thì sơ hở ở chỗ các đơn vị phân phối thông qua trung gian. “Chúng tôi rất hạn chế mua của nhà cung cấp trung gian, bởi sẽ không quản lí được đầu vào”, bà Hậu cho biết.

Nếu theo quy định, thực phẩm đưa vào siêu thị phải qua nhiều bước kiểm tra, giám sát. (Ảnh: H.Mĩ)

Theo bà Hậu, trường hợp sau khi cơ quan chức năng xác minh đơn vị trung gian đưa hàng rau kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào siêu thị là đúng, thì các hệ thống phân phối trên cần phải có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

“Trước mắt, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cần phải cắt hợp đồng với nhà cung cấp, rút hàng khỏi quầy kệ. Đồng thời, phải có giải pháp đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt trong tình huống nếu khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng bị ảnh hưởng tới sức khỏe”, bà Hậu nói.

Cho đến thời điểm này, các nhà phân phối liên quan đến vụ việc như Tiki Ngon, 3Sạch Food, Bách Hóa Xanh,... đều đã dừng nhập và rút hàng của Hugo Farm, Trình Nhi, Đông A khỏi kệ siêu thị.

Trên trang fanpage, phía 3Sạch Food cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra và tiến hành các thủ tục pháp lý với các nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, nhằm làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa, làm mất lòng tin của khách hàng 3Sạch và xã hội nói chung.

Còn đại diện Bách Hóa Xanh cũng cho biết: “Thông qua sự việc này, Bách Hóa Xanh sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa đầu vào.

Đối với bất kỳ nhà cung cấp nào, tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Bách Hóa Xanh yêu cầu là chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa. Bách Hóa Xanh duy trì chủ trương và chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào của nhà cung cấp”.

Hiện, người tiêu dùng vẫn đang chờ kết quả điều tra và kết luận của cơ quan chức năng.

Sự cố ảnh hưởng đến nhà sản xuất chân chính

Sự cố xảy ra ở các siêu thị không chỉ khiến nhiều người tiêu dùng mất niềm tin, mà còn ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất và phân phối khác. Tại cuộc họp với Bộ NN&PTNT tối 22/9, bà Vũ Thị Hậu cho biết sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống bán lẻ, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị cơ quan quản lí nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lí xử phạt nghiêm minh, để không ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính.

Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng cần phải làm rõ đây là hàng hóa không truy xuất được nguồn gốc chứ không phải hàng hóa có vấn đề. Bởi, thực phẩm vào chợ đầu mối là hàng hóa đã được kiểm soát.

“Vấn đề sai ở đây là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà cung cấp với các chuỗi siêu thị về nguồn gốc hàng hóa. Còn hàng hóa đã sản xuất ra có người làm tốt, có người làm không tốt, nhưng không phải ai cũng làm không tốt. Truyền thông cần cụ thể, rõ ràng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành”, ông Tùng nhấn mạnh.

 Sự việc rau không nguồn gốc tuồn vào siêu thị ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. (Ảnh: H.Mĩ)

Trước sự việc này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết từ trước đến nay, chúng ta khuyến khích làm VietGAP mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP.

“Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm tra, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay... Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là nông sản được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình", ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần phải xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, khắc phục tình trạng đứt đoạn như hiện nay. Cả hệ sinh thái ngành hàng gồm nhà sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội sẽ cùng nhau phát triển khi cân bằng được lợi ích và tạo dựng được niềm tin.

“Sự minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước”, Bộ trưởng nói.

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu.

Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh.

Trong khi đó, năm 2018, đơn vị kiểm tra 13.376 mẫu thì phát hiện 198 mẫu vi phạm dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chiếm tỷ lệ 1,48%. 

Phạm Mơ