Rào cản nào đối với TPP 11 trong cuộc họp tại Đà Nẵng?
Một cuộc họp báo trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Nguồn: Kham/Reuters. |
Quyết tâm theo đuổi TPP của 11 thành viên còn lại sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do này.
TPP hiện là một đối trọng trước tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhật Bản đang tích cực vận động các bên tiến tới thỏa thuận cuối cùng bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều quan chức cho biết một số thành viên không mấy mặn mà với việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán, đặc biệt là Canada, New Zealand và Malaysia.
TPP hướng tới xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của các quốc gia thành viên với tổng kim ngạch thương mại năm ngoái đạt 356 tỷ USD. Hiệp định thương mại tự do đa phương này cũng bao gồm các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ, quyền lao động và môi trường.
Trưởng đoàn đàm phán của 11 quốc gia thành viên đã nhóm họp vào ngày 6 và 7/11 vừa qua, trong khi bộ trưởng thương mại các nước dự kiến sẽ gặp mặt vào ngày 8 và 9/11 tại thành phố Đà Nẵng.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên TPP đang tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC cũng dự kiến sẽ nhóm họp.
Canada chưa nhất quán với TPP
“Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận đúng đắn”, một quan chức Canada cho biết.
Quan điểm của Canada về TPP hiện vẫn chưa nhất quán do nước này đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ, quốc gia đã tuyên bố rút khỏi TPP.
New Zealand vẫn tỏ ra thận trọng với TPP
Chính phủ mới của New Zealand đã lên tiếng ủng hộ TPP. Tuy nhiên, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết còn quá sớm để khẳng định các bên có thể đạt được thỏa thuận trong tuần này hay không.
“Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm to lớn khi gia nhập TPP và muốn đảm bảo hiệp định này mang đến lợi ích cao nhất cho New Zealand”, bà Ardern cho biết.
Malaysia do dự trước đợt bầu cử sắp tới
Đối với Malaysia, lợi ích lớn nhất khi tham gia TPP là việc xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng xuất khẩu vào Mỹ. Với đợt bầu cử sắp tới cũng như quan hệ ngày càng thân thiết với Bắc Kinh, Malaysia không có lý do gì để xúc tiến đàm phán hiệp định này.
Việt Nam từng được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP khi Mỹ chưa rút khỏi hiệp định này.
“Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các thành viên khác để thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo cân bằng lợi ích sau khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết trong buổi họp báo hôm 7/11.
Bộ trưởng thương mại 11 quốc gia thành viên TPP đã nhất trí tiếp tục đàm phán mà không có sự tham gia của Mỹ trong một cuộc họp tại Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, đồng thời yêu cầu các trưởng đoàn đàm phán xem xét những vấn đề cần thay đổi trước khi cuộc họp cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 7/11 đã nói với người đồng cấp Việt Nam rằng ông hy vọng 11 thành viên còn lại của TPP có thể đạt được một thỏa thuận về mặt nguyên tắc trong tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Việt Nam quyết tâm theo đuổi TPP dù không có Mỹ
Nhập khẩu nguyên liệu thô và quyền lao động vẫn là hai chướng ngại lớn nhất trong đàm phán TPP 11 hiện nay. |