Rác nhựa tăng vọt ở Singapore vì người dân đua nhau đặt món trực tuyến khi dịch COVID-19 hoành hành
Nhu cầu giao món ăn tại nhà ở Singapore tăng vọt khi người dân ở nhà nhiều hơn vì dịch viêm phổi cấp COVID-19. Trong khi các công ty giao món hoan hỉ, xu hướng mới làm tăng mức độ khó trong nỗ lực giảm các chất thải nhựa liên quan tới hoạt động giao món ăn như dĩa, hộp nhựa, thìa.
Dữ liệu chỉ ra lượng tiêu thụ nhựa để đóng gói đồ ăn tăng mạnh khi người Singapore mắc kẹt ở nhà từ ngày 7/4 đến ngày 1/6. Tổng khối lượng rác cũng tăng theo.
Đại học Quốc gia Singapore thực hiện một khảo sát trực tuyến với 1.110 người. Kết quả cho thấy lượng thực phẩm lưu chuyển theo hình thức giao món tại nhà tăng gần 20% mỗi tuần từ khi Singapore áp dụng lệnh phong tỏa. Số bữa ăn mà các cơ sở kinh doanh giao tại nhà khách hàng cũng tăng 73%.
Lượng chất thải hàng ngày từ các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tăng 3% trong 8 tuần ngắt mạch xã hội so với hồi tháng 3, theo Cơ quan Môi trường Quốc gia.
"Chúng ta cần hành động nhiều hơn để giảm mức tiêu thụ của đồ dùng một lần", Cơ quan Môi trường Quốc gia tuyên bố.
Năm ngoái, khoảng 200.000 tấn chất thải sinh hoạt là sản phẩm dùng một lần, bao gồm túi và hộp. Chúng đủ lớn để lấp đầy khoảng 400 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Từ giữa năm 2018, khoảng 83 quốc gia trên khắp thế giới đã ra lệnh cấm các nhà bán lẻ cung cấp túi nhựa miễn phí cho khách hàng. Khoảng 2/3 trên tổng số 192 quốc gia cũng áp dụng quy định nhằm thay đổi tình trạng này.
Mặc dù chưa đưa ra quy định về việc sử dụng túi nhựa, Singapore cũng làm việc với cư dân, trường học và các doanh nghiệp để khuyến khích và hỗ trợ việc tái chế, mang hộp đựng thức ăn riêng hoặc không cung cấp dao kéo dùng một lần.
Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp và nhà bán lẻ có doanh thu năm hơn 10 triệu SGD (7,2 triệu USD) báo cáo loại bao bì họ sử dụng và nộp kế hoạch giảm khối lượng hoặc tái chế chúng. Tuy nhiên, thời hạn bị đẩy lùi từ năm 2021 xuống tháng 3/2022 vì dịch Covid-19.
Ngoài ra, từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021, chính phủ sẽ Singapore sẽ tập hợp công dân để xem xét các cách cắt giảm việc tiêu thụ quá mức nhựa dùng một lần.