|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quyết định 'trảm tướng' tại VEAM gây tranh cãi: Trái luật, thiếu căn cứ?

12:18 | 09/04/2019
Chia sẻ
Với 4/6 ý kiến thành viên HĐQT biểu quyết đồng ý, quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà tưởng chừng hoàn toàn thuyết phục. Song ông Hà đã có phản ứng bất ngờ khi cho rằng, quyết định này là trái quy định của Đảng, trái pháp luật và thiếu căn cứ.

Lý do khiến ông Trần Ngọc Hà mất chức là gì?

Như tin đã đưa, ngày 29/3/2019, HĐQT của VEAM đã ra quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà với 4/6 thành viên HĐQT biểu quyết đồng ý và 2/6 thành viên không đồng ý bãi nhiệm.

Quyết định này được đưa ra HĐQT tổng công ty này đã họp đánh giá, xem xét việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà kể từ khi được HĐQT VEAM bổ nhiệm đến nay.

Quyết định trảm tướng tại VEAM gây tranh cãi: Trái luật, thiếu căn cứ? - Ảnh 1.

Vấn đề nhân sự cấp cao tại VEAM đang rơi vào tình trạng rối ren

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, HĐQT VEAM cho biết, trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM với vai trò là Tổng Giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã vi phạm một số quy định về quản lý tài chính và điều lệ của VEAM.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp này bị lỗ 8,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí tài chính của số tiền 399,6 tỷ đồng văn phòng VEAM mua vật tư linh kiện bán cho Nhà máy ô tô VEAM. Hiện VEAM vẫn chưa thu hồi được số tiền hơn 359 tỉ đồng từ việc kinh doanh này.

Liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ô tô Changan, ông Trần Ngọc Hà được cho là đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ giá do Sacombank phát hành để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto với số tiền 136,72 tỷ đồng khi chưa được sự phê chuẩn của Hội đồng quản trị VEAM.

Với cương vị Tổng giám đốc VEAM, ông Hà cũng là người đã đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM mua 3000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3000 xe ô tô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, không có phương án kinh doanh số ô tô này. Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5588 xe), gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho giao.

Ngoài ra, Hà còn có sai phạm liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe ô tô Hyundai 72.

Số lượng thành viên HĐQT trái luật dẫn đến quyết định trái luật?

Theo nguồn tin của Dân Trí, ngay sau khi bị bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã có phản ứng rất mạnh mẽ, cho rằng, quyết định bãi nhiệm đối với ông là vi phạm quy định của Đảng.

Ông Hà lập luận rằng,VEAM là doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối 88,47% thì theo quy định của Đảng, VEAM là doanh nghiệp Nhà nước. Ông này dẫn quyết định 287 năm 2010 của Ban Bí thư và các văn bản liên quan đối với DNNN, công tác cán bộ là công tác của Đảng. Thế nhưng, HĐQT VEAM lại ra quyết định bãi nhiệm Tổng giám đốc mà không lấy ý kiến của các cấp uỷ Đảng là vi phạm các quy định của Đảng.

Ngoài ra, theo khẳng định của ông Hà thì thành phần HĐQT VEAM hiện nay trái với quy định của pháp luật nên việc ban hành Quyết định bãi nhiệm Tổng giám đốc cũng là trái với quy định pháp luật.

Cụ thể, VEAM là công ty đại chúng nên theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty, VEAM có tối đa 5 thành viên HĐQT là đại diện các chủ sở hữu và 2 thành viên HĐQT độc lập. Tại thời điểm tháng 6/2018, VEAM đã đủ 5 thành viên HĐQT là đại diện của các chủ sở hữu nhưng Bộ Công Thương lại điều thêm ông Lê Hữu Phúc từ Bộ về tham gia quản lý vốn và tham gia HĐQT dẫn đến số lượng thành viên đại diện các chủ sở hữu trong HĐQT lên 6 người. Theo đó, quyết định của HĐQT với thành phần không đúng quy định cũng được cho là trái với quy định pháp luật.

Trái ngược với đánh giá nói trên của HĐQT VEAM, ông Hà khẳng định quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông là thiếu căn cứ khi mà ông đã điều hành mọi hoạt động của VEAM hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch mà ĐHĐCĐ và HĐQT giao năm 2017.

Theo ông, trong 7 tháng đầu năm 2018, VEAM đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch 7 tháng đầu năm 2018, trong đó các chỉ tiêu chính như doanh thu đã đạt 90% kế hoạch cả năm, lợi nhuận đạt 70% kế hoạch cả năm.

Từ ngày 8/8/2018, ông Hà bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc để tập trung tiêu thụ lô hàng 3.000 xe Hyundai và thu hồi công nợ. Với nhiệm vụ này, ông Hà khẳng định, đã hoàn thành việc tiêu thụ lô hàng 3.000 xe Hyundai nói trên với lợi nhuận tạm tính đạt 65,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, các công nợ phải thu hồi lại chủ yếu phát sinh luỹ kế từ nhiều năm đến trước khi Tổng giám đốc hiện nay nhận chức. Việc thu hồi số nợ này được cho là rất khó khăn, số thu hiện đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Mai Chi