VEAM vẫn rối ren nhân sự lãnh đạo cấp cao
Nhà máy VEAM tại Thanh Hóa
Theo số liệu do VEAM công bố, năm 2018, tổng công ty này đạt mức lợi nhuận rất cao: Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 7.130 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%.
Đây cũng là lý do giá cổ phiếu của VEAM (Mã VEA) trên thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua, hiện đã đạt mức 52.600 đồng/CP (thời điểm 28/3/2019), trong khi toàn thị trường có xu hướng đi xuống. Các công ty chứng khoán và một số chuyên gia tài chính- chứng khoán đánh giá 2019, VEAM vẫn trong xu hướng kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao do có nguồn lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh, liên hết lớn.
Mặc dù vậy, vẫn có một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của tổng công ty này. Đó là tình trạng khá rối ren về vị trí nhân sự tổng giám đốc của VEAM. Gần một năm qua, VEAM vẫn chưa thể kiện toàn vị trí CEO của tổng công ty.
Văn bản chứng minh hợp đồng mua 3000 bộ linh kiện phụ tùng xe Hyundai của VEAM không gây thất thoát
Theo nguồn tin của Dân trí, Đảng ủy VEAM mới có văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo về vấn đề nhân sự của tổng công ty này. Cho đến thời điểm này, ai sẽ được ngồi vào "ghế nóng" CEO của VEAM vẫn chưa được quyết định.
Cụ thể, từ tháng 8/2018, ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc của VEAM bị đình chỉ chức danh Tổng giám đốc và được giao nhiệm vụ đi đôn đốc thu hồi nợ. Ông Trần Ngọc Hà đã có các báo cáo chứng minh, phần lớn các khoản nợ trên 200 tỷ đồng phát sinh từ thời điểm trước khi ông này làm tổng giám đốc. Và cho đến nay, ông cũng đã đôn đốc thu hồi được hơn 100 tỷ đồng.
Còn việc bị cho là có trách nhiệm trong việc mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ của VEAM, chính VEAM đã có văn bản báo cáo ông Hà ký hợp đồng trên phù hợp quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều 149 về Hội đồng quản trị. Hơn nữa, hợp đồng này không gây thất thoát, còn đem lại một khoản lợi nhuận khoảng 65 tỷ đồng cho VEAM.
Do đó, đến thời điểm này, ông Trần Ngọc Hà đấu tranh, bảo vệ quyền điều hành của mình do tự cho là có đủ căn cứ chứng minh không mắc những sai phạm mà Bộ Công Thương đánh giá.
Ngược lại, quyền Tổng giám đốc VEAM là ông Ngô Văn Tuyển- ứng cử viên nặng ký hơn cho chức vụ Tổng giám đốc VEAM vừa qua lại mắc một số vi phạm như bổ nhiệm nhân sự trái nghị quyết Đảng ủy và ra nước ngoài khi chưa được phép của Bộ Công Thương. Ông Tuyển cũng được cho là có trách nhiệm liên quan đến các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn 2011-2013, do thời điểm này, ông Tuyển là Phó Tổng giám đốc phụ trách chỉ đạo kinh doanh thương mại tham mưu cho Tổng giám đốc Lâm Chí Quang (giai đoạn 2011-2014) cho Vetraco vay và nguy cơ thất thoát 250 tỉ đồng.
Đáng chú ý là quyết định của Bộ Công Thương đưa ra là tạm đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc của ông Trần Ngọc Hà nhưng không quy định rõ thời hạn tạm đình chỉ. Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuyển lại làm tổng giám đốc nên VEAM hiện nay được cho là có ..2 tổng giám đốc.
Được biết vừa qua đã có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra xuống làm việc tại VEAM nhưng chưa làm rõ được những sai phạm trong quản lý, điều hành ở tổng công ty này. Cuộc thanh tra gần nhất của Thanh tra Bộ Công Thương đến nay vẫn chưa công bố kết quả. Cho nên, việc kết luận ai đúng, ai sai, ai đủ điều kiện được giao quyền tổng giám đốc vẫn trong thời gian chờ đợi.