Quỹ thuộc SGI Capital tiếp tục thận trọng, gần 80% danh mục đang 'đứng ngoài quan sát'
Theo báo cáo tháng 6 của The Ballad Fund, nhà quản lý quỹ dự báo Fed sẽ hạ lãi suất, trong hơn một năm qua, chính phủ Mỹ chỉ chú trọng phát hành các công cụ nợ ngắn hạn (bills) nên sẽ liên tục cần phát hành lượng lớn. Trong năm tới, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực refinancing (đảo nợ) cho các nguồn vốn đã huy động giá rẻ nhiều năm trước.
Bởi vậy, dù Fed và các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, chi phí tài chính thực tế của chính phủ Mỹ cũng như khối doanh nghiệp sẽ không giảm ngay vì phải tiến hành đảo nợ cũ ở lãi suất thấp. Do đó, tác động tích cực khi các ngân hàng trung ương hạ lãi suất cũng sẽ có độ trễ.
Trên góc độ đầu tư, kịch bản đang được đồng thuận là Fed sắp hạ lãi suất và kinh tế duy trì tăng trưởng. Dòng tiền đầu tư và cả đầu cơ đã đi trước phản ánh đầy đủ kỳ vọng này trong nhịp tăng giá mạnh của các tài sản rủi ro như cổ phiếu và Bitcoin trong nửa đầu năm nay.
Lịch sử Fed hạ lãi suất cũng thường đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ tăng trưởng ngay trước khi suy thoái diễn ra. Khả năng hạ cánh mềm dù luôn được số đông kỳ vọng nhưng ít khi thành hiện thực.
Thị trường chứng khoán mong đợi đợt giảm lãi suất đầu tiên nhưng sau đó sẽ chịu áp lực lớn khi nhà đầu tư chuyển qua trạng thái phòng thủ do tăng trưởng suy giảm. Khi rủi ro suy thoái tăng lên, dòng tiền sẽ chuyển dịch từ các tài sản rủi ro như cổ phiếu sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, trái phiếu, rút khỏi các thị trường rủi ro cao như mới nổi và cận biên để quay về bản quốc. Đây là thời điểm thị trường chuyển pha từ kỳ vọng giảm lãi suất sang thận trọng với tỷ lệ thất nghiệp.
Đối với thị trường Việt Nam, quỹ thuộc SGI Capital có một số điểm lưu ý. Dữ liệu kinh tế quý II tiếp tục cho thấy nền kinh tế tiếp tục hồi phục ở nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng với nền so sánh cùng kỳ thấp. Tuy vậy, các động lực tăng trưởng chính vẫn yếu như đầu tư công tăng chậm, thị trường bất động sản thanh khoản thấp, và tín dụng ngân hàng tăng trưởng khó khăn.
Ở góc nhìn lạc quan, dư địa cải thiện còn ở phía trước đang là bệ đỡ cho nhà đầu tư kiên trì nắm giữ cổ phiếu, nhất là khi nền lãi suất huy động vẫn còn thấp.
Đến hết nửa năm, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra hơn 6 tỷ USD để bình ổn tỷ giá và duy trì lãi suất điều hành thấp. Tuy vậy, lãi suất còn chịu áp lực từ chỉ số lạm phát vẫn đang ở vùng cao, sát với lạm phát mục tiêu cả năm. Các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philipine, Malaysia, Trung Quốc đều có mức lạm phát thấp hơn nhiều so với lãi suất chính sách, tạo điều kiện hạ lãi suất nếu cần kích thích kinh tế.
Mặt khác, chênh lệch ngày một lớn giữa huy động và tín dụng toàn hệ thống đang khiến hệ số LDR của toàn ngành căng thẳng hơn. Áp lực tăng lãi suất huy động có thể xảy ra khi tín dụng tăng tốc. Cộng với đà tăng của nợ xấu, thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng có thể sẽ kh ông dồi dào về cuối năm.
Báo cáo mới đây của FiinRatings về thị trường trái phiếu cho thấy áp lực tài chính của nhiều nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu cao vẫn tiếp diễn trong 2024 và 2025 gồm bất động sản (42,5%) và năng lượng (42,7%).
Như vậy, nền tảng lãi suất thấp chỉ mới tạo ra hiệu ứng kích thích tiền đầu tư, còn các doanh nghiệp khó khăn đang cần tái cơ cấu chưa được hưởng lợi nhiều, vẫn đối mặt rủi ro thanh khoản cục bộ.
Trước đó trong báo cáo tháng 3, quỹ đã đề cập thanh khoản thị trường chứng khoán đang đi qua vùng cao nhất khi nền lãi suất chạm đáy đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới. Thanh khoản giảm mạnh gần đây là chỉ báo về dòng tiền tham gia trong thị trường đang suy yếu.
Mặt khác rủi ro cần chú ý là lượng margin tại các công ty chứng khoán đã tăng mạnh vượt đỉnh, trong đó có các khoản vay từ cổ đông lớn và chủ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn dòng tiền và không còn khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Những yếu tố liên quan tới dòng tiền ra cũng chưa có dấu hiệu tích cực như: nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng kỷ lục (hơn 52.000 tỷ đồng từ đầu năm), cổ đông nội bộ và cổ đông dài hạn cũng bán ra khi giá cổ phiếu tăng mạnh, các đợt phát hành tăng vốn tiếp tục sẽ tăng thêm ở nửa cuối năm trong bối cảnh thanh khoản thị trường giảm sút. Nhiều cổ phiếu trước đây kín room ngoại và từng được thỏa thuận ở giá premium, nay đã hở room ngày càng lớn.
“Những vận động tiêu cực trên vẫn tiếp tục gia tăng trong các tháng tới gây sức ép lên thị trường chung”, báo cáo tháng 6 nhấn mạnh.
Nhìn về tổng thể, ngoại trừ nhóm ngân hàng đang có định giá dưới trung bình, phần lớn các nhóm ngành khác giá cổ phiếu đã được đưa lên vùng định giá cao nhiều năm phản ánh kỳ vọng lạc quan và chỉ phù hợp với sự phục hồi mang tính đột biến ở nửa cuối năm và 2025. Với những hạn chế hiện hữu trong nước và khả năng suy thoái toàn cầu đang tăng lên, cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm trong khi rủi ro đang tăng lên, sẽ cần kiên nhẫn và thận trọng hơn với thị trường thời gian tới.
The Ballad Fund có tổng giá trị tài sản ròng 83,6 tỷ đồng tại thời điểm khép lại tháng 6. Hiệu suất danh mục đi ngang trong tháng 6, trong khi VN-Index giảm 1,3%. Lũy kế từ đầu năm, hiệu suất của quỹ đạt 15,1%, vượt so với mức tăng 10,2% của VN-Index.
Với quan điểm thận trọng, The Ballad Fund tiếp tục giữ tỷ trọng tiền mặt cao, đạt trên 78%. Tỷ trọng cổ phiếu về vùng thấp nhất kể từ khi đi vào hoạt động tháng 11/2021, với trên 21%. Danh mục hiện gồm 7 cổ phiếu BWE, DHG, FMC, PNJ, SGN, TLG và VNM như tại báo cáo tháng 5. Đây đều là các mã thường không có nhiều biến động so với các nhóm ngành thu hút dòng tiền trên thị trường.