SSI Research: 'Cửa tăng' của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm
Báo cáo chiến lược mới đây của SSI Research cho thấy số liệu vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng hồi phục, đặc biệt ở khu vực sản xuất chế biến chế tạo. Tăng trưởng GDP đạt và có thể vượt kế hoạch 2024 và khả năng chính sách điều hành sẽ tập trung vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô như tỷ giá và lạm phát trong nửa cuối năm. Lãi suất có thể tiếp tục đà tăng nhẹ.
Vượt qua các “cơn gió ngược”, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023 và tiếp tục bứt phá về điểm số. Dù đi qua nhịp điều chỉnh ngắn trong tháng 4 và tiếp tục giảm 1,3% trong tháng 6, chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng 10,2% từ đầu năm.
Dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu bứt phá trong tháng 6, đặc biệt là TTCK Mỹ nhờ hiệu ứng về chính sách tiền tệ. Với Việt Nam, xu hướng rút ròng mạnh của khối ngoại có thể quan sát rõ nhất qua các ETFs với việc giải thể quỹ iShares Frontier.
Nửa cuối năm, SSI Research vẫn nghiêng về kịch bản thị trường tiếp tục xu hướng tăng trưởng, dù các biến số rủi ro đang vẫn còn hiện diện và có thể khiến thị trường biến động. P/E ước tính năm 2024 của VN-Index hiện ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 13,4 lần.
“Với mức định giá này thì ‘cửa tăng’ của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang năm 2025”, báo cáo của SSI nhấn mạnh.
Tăng lương cơ sở cho khu vực công hiệu lực từ 1/7. Chính sách kích cầu tiêu dùng giảm thuế VAT 2% được gia hạn đến hết năm. Hoạt động xuất khẩu đang dần phục hồi và sẽ thuận lợi hơn nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào cuối tháng 7. Vướng mắc trong quá trình nâng hạng vẫn đang dần được tháo gỡ. Mặt khác, lãi suất tăng và tỷ giá biến động có thể đã phản ánh lên sự sụt giảm của thanh khoản TTCK thời gian gần đây.
Về dòng tiền khối ngoại, áp lực rút vốn từ dòng vốn ngoại nếu nhẹ bớt về cuối năm với kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất sẽ tạo động lực tích cực mới cho thị trường.
Nhóm phân tích tiếp tục duy trì dự phóng 1.300 - 1.350 điểm cho VN-Index vào cuối năm 2024.
Với triển vọng kết quả kinh doanh quý II, trong danh sách theo dõi của SSI Research, triển vọng tăng trưởng tích cực được ghi nhận ở nhiều ngân hàng lớn, nhóm thép, tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu, nhóm cảng và vận tải biển.
Mặc dù giai đoạn một số nhóm cổ phiếu lên mạnh vừa qua có thể đã phản ánh phần lớn triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này, tăng trưởng kết quả kinh doanh tích cực thay phiên nhau giữa các nhóm ngành và cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục là động lực của thị trường.
Ở khía cạnh kỹ thuật, VN-Index lùi lại khi vượt nhẹ mốc 1.300 điểm trong tháng 6. Các chỉ báo RSI duy trì trung tính, ADX trung hạn quay lại vị thế yếu thể hiện xu hướng chỉ số trong chu kỳ tháng 7 sẽ có những biến động chưa thực sự lạc quan như kỳ vọng.
Xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index vẫn giữ vững, do chưa xâm phạm ngưỡng hỗ trợ 1.195 - 1.205 điểm. Dự kiến, chỉ số vận động ở phạm vi điểm số 1.220 - 1.295 trong tháng 7. Rủi ro với nhận định và xu hướng là khi chỉ số đánh mất vùng 1.190 điểm.
Với các yếu tố tác động trái chiều, nhóm phân tích tin rằng sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân mới, trong khi có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh.
Ở góc nhìn dòng tiền, SSI Research không loại trừ xu hướng tiếp tục xoay vòng và luân chuyển đến những nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách bao gồm bất động sản, bán lẻ, xuất khẩu. Một số nhóm có hiệu suất kém hơn mặt bằng chung trong nửa đầu năm cũng có thể được chú ý như dịch vụ tài chính.