|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cuộc tranh cãi về 'quả bóng' lợi ích về chân ai

16:40 | 01/04/2019
Chia sẻ
Việc quyết định "quả bóng" lợi ích này sẽ lăn vào chân ai trở nên khó khăn hơn khi quỹ điều hành xăng dầu vừa qua giảm mạnh do xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục tăng. Thậm chí quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp trở về mức....âm.

Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu quý I tăng tới gần 50%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu xăng dầu trong quý I tăng tới gần 50% so với cùng kì năm ngoái lên 1,2 tỉ USD.

Trong phiên họp điều hành giá quý I của Chính phủ trong ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 24/2, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (bắt đầu hoạt động thương mại từ 9/2018, đang chiếm 70 - 75% nguồn cung xăng dầu và 39% thị phần xăng dầu trong nước) đã gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu. 

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tập hợp các cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng tối đa công suất sản xuất và sớm đưa nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex nhập khẩu thêm xăng dầu với mức thuế cao hơn bình thường 10% để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra từng cây xăng, yêu cầu các đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho các địa bàn trên toàn quốc.

Tới ngày 3/3, nhà máy Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động lại và tới ngày 22/3 toàn bộ các phân xưởng đã hoạt động trở lại nhưng mới chỉ sản xuất được dầu diesel. Tới ngày 26/3, sản xuất được xăng đạt chất lượng. Đến ngày hôm nay và ngày mai (29/3), xăng A95 và A92 sẽ được sản xuất bình thường.

Trước đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết sau sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã họp với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối để tìm cách nhập khẩu. 

Việc xảy ra sự cố đột xuất như vậy, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu với giá cao hơn do thông thường phải kí hợp đồng trước 45 ngày, nhiều lô hàng từ Hàn Quốc đã có chủ. Thậm chí, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài Hàn Quốc với thuế suất cao hơn để đảm bảo nguồn cung trong nước đồng thời đảm bảo dự trữ. 

Ngày 25/3, Bộ Công Thương cho biết các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống.

Trong trường hợp nguồn cung từ các Nhà máy sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các nguồn nhập khẩu hợp lý để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Ông Đông thông tin trong giai đoạn vừa qua các doanh nghiệp lớn như PVOil hay Petrolimex thậm chí đã lỗ. Tuy nhiên để đảm bảo việc phân phối xăng dầu, họ vẫn buộc phải bán hàng ra. 

Tranh cãi về quỹ bình ổn xăng dầu

Trong kì điều hành giá xăng dầu ngày 18/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện "xả" quỹ đề bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới. Theo đó, quỹ đã xả 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95 và 1.343 đồng/lít với dầu DO nhằm giữ nguyên giá xăng dầu, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.

Đại diện cho các doanh nghiệp xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay là "tùy hứng", chủ quan.

Ông Ruệ cho rằng cách điều hành giá xăng dầu hiện nay không đúng với giá thị trường, mang tính hành chính, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho các doanh nghiệp nhỏ khốn khổ về quỹ điều hành bởi lượng tiền trong quỹ điều hành của các doanh nghiệp này ít, dẫn đến tính trạng âm quỹ.

Ông cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu là "công cụ bí mật" để các nhà điều hành can thiệp vào thị trường. Do đó nên bỏ đi. Chỉ khi nào giá tăng đột biến Nhà nước mới nên can thiệp.

"Theo Nghị định 83, giá xăng dầu thay đổi dưới 3% thì không dùng quỹ, từ 3 - 7% mới dùng quỹ; quá 7% Nhà nước mới bắt đầu can thiệp. Trong khi đó, thực tế lần điều chỉnh nào cũng dùng quỹ, theo ý chí chủ quan của con người, cứ lấy áp lực CPI để dùng quỹ. Hiệp hội Xăng dầu đã kiến nghị bỏ quỹ này đi nhưng không ai nghe", ông Ruệ nói.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cuộc tranh cãi về quả bóng lợi ích về chân ai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dưới góc độ là nhà quản lí, ông Đông cho biết nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là tôn trọng quy tắc thị trường và dưới sự điều hành của nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong mỗi lần điều hành cần bám sát vào mục tiêu vĩ mô của nhà nước ví dụ như CPI. 

"Quan điểm của tôi là làm việc gì cũng đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Tất nhiên, vẫn phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà nước. 

Có những thời điểm, chúng ta phải ưu tiên lợi ích của người dân, nhà nước hơn là doanh nghiệp nhưng cũng có thời điểm lợi ích của doanh nghiệp được ưu tiên hơn. Nhưng về tổng thể, bao giờ cũng phải hài hòa và ưu tiên cho số đông, đảm bảo mục tiêu vĩ mô và chỉ đạo của Chính phủ hơn", ông Đông nhận định. 

Việc quyết định "quả bóng" lợi ích này sẽ lăn vào chân ai trở nên khó khăn hơn khi quỹ điều hành xăng dầu vừa qua giảm mạnh do xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục tăng. Thậm chí quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp trở về mức... âm.

Cũng bởi vì lí do đó mà đợt điều hành giá xăng dầu vừa qua (18/3) cũng được thông báo muộn hơn mọi khi (20h tối so với thường lệ là 15h chiều). 

Ông Đông cho biết thêm tháng 3 cũng là thời điểm mà Bộ Công Thương cùng lúc tăng giá điện (tăng 8,36%) và giá xăng dầu. Do đó để đưa ra phương án điều chỉnh giá xăng hợp lí, 17h chiều ngày 18/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp giữa Liên Bộ Công Thương - Tài chính để quyết định giữ giá xăng dầu và 20h mới công bố quyết định.

Ông Đông cho biết những gì doanh nghiệp phản ánh về khó khăn khi quỹ điều hành xăng dầu còn rất "mỏng" vừa qua Bộ Công Thương đều biết, và điều này cũng đúng nhưng chỉ đúng một phần nên nghe nhiều chiều.

Ông giải thích bản chất Quỹ Bình ổn giá là tiền của người dân ứng trước để doanh nghiệp được hưởng chứ không phải tiền của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải chia sẻ với người quản lí nhà và người tiêu dùng bởi có lúc doanh nghiệp được dư rất nhiều quỹ. 

"Có lúc âm một chút nhưng cũng phải chia sẻ chung, cùng mục tiêu của Chính phủ chứ không phải một một hai tháng âm mà doanh nghiệp kêu ầm ĩ như vậy", ông Đông nhấn mạnh.

Ông nói thêm, xét trên góc độ trách nhiệm, các doanh nghiệp bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex và PVOil, hai doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Do đó, đây còn là công cụ để nhà nước điều hành các chính sách vĩ mô và cần thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu vĩ mô có thể lỗ lúc này, lãi lúc khác nhưng tựu chung lại là cả năm lãi.  

"Không thể vì một chốc một một lát động chạm lỗ ở tháng này mà đổ cho cách điều hành của nhà nước. Cần nhìn về dài hơn, đó là cả năm. Tất nhiên, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tính đến phương án để Quỹ Bình ổn giá xăng dầu an toàn hơn, cao hơn con số hiện tại trong thời gian tới", ông Đông nhận định.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, trước đó, sau ngày 3/10/2018, có thời điểm giá dầu thô thế giới tăng mạnh lên tới 80 USD/thùng, một số chuyên gia dự báo giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng.

Lúc đó ông cũng đã khuyến nghị cân nhắc điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với giá thế giới hơn và tăng quỹ lên. Nhất là sau Tết xu thế các mặt hàng giảm giá, đặc biệt là các mặt hàng tác động lớn đến CPI.

Theo ông Đông, không nên kìm giá xăng dầu quá để tăng quỹ lên nhằm tính tới phương án tăng giá điện 8,36% bởi vì kế hoạch tăng giá điện cũng đã nằm trong lộ trình.

"Giả dụ kì điều hành vừa rồi mà quỹ còn lớn thì doanh nghiệp cũng không phản ứng như bây giờ. Thêm nữa, kì điều hành giá xăng dầu không trùng với điều chỉnh giá điện thì cơ quan quản lí nhà nước cũng dễ dàng hơn", ông Đông nói.

Đức Quỳnh